Pháp luật mang bản chất xã hội vì pháp luật bắt nguồn từ thực tiễn đời sống xã hội?

  • Tác giả: Ngô Linh Trang |
  • Cập nhật: 04/03/2024 |
  • WIKI hỏi đáp |
  • 3842 Lượt xem
5/5 - (5 bình chọn)

Bản chất của pháp luật là một vấn đề khá phức tạp, trong khoa học pháp lý tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Có quan niệm cho rằng, bản chất của pháp luật là công lý, đó là lẽ phải phù hợp với lợi ích chung của xã hội. Mác – Lenin lại có quan điểm cho rằng, pháp luật mang bản chất giai cấp và bản chất xã hội. Vậy bản chất giai cấp và bản chất xã hội của pháp luật được thể hiện như thế nào? Có phải Pháp luật mang bản chất xã hội vì pháp luật bắt nguồn từ thực tiễn đời sống xã hội? hay không. Hãy cùng Chúng tôi tham khảo bài viết dưới đây.

Pháp luật là gì?

Pháp luật là hệ thống quy tắc xử sự chung do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận và bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội theo mục đích, định hướng của Nhà nước.

Các đặc trưng cơ bản của pháp luật

– Thứ nhất: Pháp luật mang tính quyền lực Nhà nước.

Để thực hiện việc tổ chức và quản lý các mặt của đời sống xã hội, Nhà nước cần có pháp luật. Các quy định pháp luật có thể do Nhà nước đặt ra, hoặc được tạo nên từ việc Nhà nước công nhận các quy tắc xử sự đã có sẵn trong xã hội như đạo đức, phong tục tập quán, … Với quyền lực của mình, Nhà nước có thể sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để tổ chức thực hiện pháp luật và yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải thực hiện, đồng thời có thể sử dụng các biện pháp cưỡng chế trong trường hợp có những tổ chức, cá nhân chống đối lại họ.

– Thứ hai: Pháp luật mang tính quy phạm phổ biến.

“Quy phạm” có thể hiểu một cách đơn giản là khuôn thước, khuôn mẫu, chuẩn mực. Các quy định của pháp luật là những khuôn mẫu, chuẩn mực định hướng cho nhận thức và hành vi của con người, hướng dẫn cách xử sự cho cá nhân, tổ chức trong xã hội. Các chủ thể khi ở vào điều kiện, hoàn cảnh do pháp luật dự liệu thì xử sự theo những khuôn mẫu mà Nhà nước đã nêu ra.

– Thứ ba: Pháp luật mang tính hệ thống.

Bản thân pháp luật là một hệ thống các quy phạm hay các quy tắc xử sự chung, các nguyên tắc, các khái niệm pháp lý … Mặc dù pháp luật có thể điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng các quy định đó không tồn tại biệt lập mà giữa chúng có mối liên hệ nội tại thống nhất với nhau, tạo nên một chỉnh thể hoàn chỉnh.

– Thứ tư: Pháp luật mang tính xác định về hình thức.

Pháp luật được thể hiện trong những hình thức có thể xác định được như tập quán pháp, tiền lệ pháp, văn bản quy phạm pháp luật. Ở dạng thành văn, các quy định của pháp luật được thể hiện một cách rõ ràng, cụ thể, không trừu tượng, chung chung, bảo đảm có thể được hiểu và thực hiện thống nhất trên toàn xã hội.

Pháp luật mang bản chất xã hội vì pháp luật bắt nguồn từ thực tiễn đời sống xã hội?

Chủ nghĩa Mác – Lênin cho rằng, pháp luật luôn gắn bó chặt chẽ với nhà nước, phản ánh bản chất của nhà nước, vì vậy, cũng như nhà nước, xét vè bản chất, pháp luật là một hiện tượng vừa mang tính xã hội vừa mang tính giai cấp.

Có thể nói: Pháp luật mang bản chất xã hội vì pháp luật bắt nguồn từ thực tiễn đời sống xã hội, vì các lý lẽ sau đây:

– Pháp luật là hệ thống quy tắc ứng xử của con người, là phép đối nhân xử thế trong quan hệ giữa người với người trong đời sống hàng ngày. Pháp luật xuất hiện từ yêu cầu, đòi hỏi của đời sống cộng đồng, để điều chỉnh hành vi con người, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Pháp luật là sự mô hình hóa những nhu cầu khách quan, phổ biến trong xã hội. Xã hội thông qua nhà nước, ghi nhận những cách xử sự hợp lý, khách quan, phổ biến, nghĩa là những cách xử sự được cộng đồng chấp nhận, phù hợp với lợi ích và yêu cầu của cộng đồng.

– Pháp luật được xem là những chuẩn mực chung của xã hội, thể hiện ý chí và phản ánh lợi ích chung của toàn xã hội. Pháp luật là một trong những phương tiện quan trọng để giải quyết khía cạnh “xã hội” của đời sống xã hội như phòng chống và khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai, phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ người lang thang, cơ nhỡ, … Nói cách khác, pháp luật luôn hàm chứa các giá trị xã hội phổ biến, thuộc về con người. Đồng thời, nó luôn phản ánh điều kiện kinh tế, xã hội, những quan niệm đạo đức truyền thống tốt đẹp, thuần phong mỹ tục … của dân tộc.

– Từ thực tế cho thấy, tính xã hội của các kiểu pháp luật được thể hiện không giống nhau. Cùng với sự phát triển của xã hội, tính xã hội của pháp luật ngày càng trở nên rộng rãi và sâu sắc hơn.

Ví dụ:

So với pháp luật ngày nay, ý nghĩa xã hội của pháp luật chủ nô, phong kiến nhìn chung còn nhiều hạn chế. Trên bình diện xã hội, pháp luật thời kỳ này chủ yếu đóng vai trò là công cụ đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ các công trình công cộng, hoặc đểtrừng trị tội phạm, …

Pháp luật tư sản ra đời có nhiều tiến bộ hơn so với pháp luật phong kiến. Phạm vi điều chỉnh của pháp luật được mở rộng, pháp luật điều chỉnh các quan hệ trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống, từ quan hệ trong gia đình đến các quan hệ kinh tế, văn hóa, xã hội bên ngoài trong đời sống. Pháp luật trở thành công cụ để điều tiết hầu hết các mối quan hệ trong xã hội.

Tóm lại, có thể thấy, bản chất xã hội của pháp luật phụ thuộc hoàn toàn vào mối quan hệ xã hội của Nhà nước trong thời kỳ đó. Nói cách khác, Pháp luật mang bản chất xã hội vì pháp luật bắt nguồn từ thực tiễn đời sống xã hội.

Trên đây là một số vấn đề có liên quan đến câu nghi vấn Pháp luật mang bản chất xã hội vì pháp luật bắt nguồn từ thực tiễn đời sống xã hội?. Mong rằng đây sẽ là một nguồn tài liệu bổ ích có thể giúp Quý bạn đọc trong quá trình nghiên cứu và làm việc. Nếu vẫn còn thắc mắc hoặc để biết thêm nhiều thông tin, Quý bạn đọc có thể liên hệ với chúng tôi để được tư vấn. Xin cảm ơn.

5/5 - (5 bình chọn)