Trang chủ Văn bản pháp luật Luật Bảo hiểm tiền gửi số 06/2012/QH13
  • Thứ tư, 18/10/2023 |
  • Văn bản pháp luật |
  • 418 Lượt xem

Luật Bảo hiểm tiền gửi số 06/2012/QH13

Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 số 06/2012/QH13 quy định về hoạt động bảo hiểm tiền gửi, quyền và nghĩa vụ của người được bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi và quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi

QUỐC HỘI
_________

Luật số: 06/2012/QH13

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
___________________

Hà Nội, ngày 18 tháng 06 năm 2012

LUẬT
BẢO HIỂM TIỀN GỬI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Quốc hội ban hành Luật bảo hiểm tiền gửi.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về hoạt động bảo hiểm tiền gửi, quyền và nghĩa vụ của người được bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi và quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với người được bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi, cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

Điều 3. Mục đích của bảo hiểm tiền gửi

Bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.

2. Người được bảo hiểm tiền gửi là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

3. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng được nhận tiền gửi của cá nhân.

4. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

5. Phí bảo hiểm tiền gửi là khoản tiền mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi để bảo hiểm cho tiền gửi của người được bảo hiểm tiền gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Điều 5. Nguyên tắc bảo hiểm tiền gửi

1. Bảo hiểm tiền gửi là loại hình bảo hiểm bắt buộc theo quy định của Luật này.

2. Hoạt động bảo hiểm tiền gửi phải công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi.

Điều 6. Tham gia bảo hiểm tiền gửi

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Ngân hàng chính sách không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Điều 7. Chính sách của nhà nước về bảo hiểm tiền gửi

1. Nhà nước có chính sách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.

2. Nhà nước có chính sách quản lý, sử dụng nhằm bảo toàn và tăng trưởng nguồn vốn của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Nguồn thu của tổ chức bảo hiểm tiền gửi được miễn nộp các loại thuế.

Điều 8. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi.

4. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi tại địa phương.

Điều 9. Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

1. Ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.

2. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi.

3. Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm tiền gửi.

4. Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tham gia tổ chức quốc tế về bảo hiểm tiền gửi của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
5. Ký kết thỏa thuận quốc tế hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ký kết, gia nhập điều ước quốc tế về bảo hiểm tiền gửi.

Điều 10. Các hành vi bị cấm

1. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi không nộp phí bảo hiểm tiền gửi.

2. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi không chi trả hoặc chi trả không đầy đủ tiền bảo hiểm.

3. Gian lận, giả mạo hồ sơ, tài liệu, giấy tờ về bảo hiểm tiền gửi.

4. Cản trở, gây khó khăn, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, người được bảo hiểm tiền gửi và cơ quan, tổ chức có liên quan đến bảo hiểm tiền gửi.

5. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.

Chương II

QUYỀN, NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI ĐƯỢC BẢO HIỂM TIỀN GỬI, TỔ CHỨC THAM GIA BẢO HIỂM TIỀN GỬI, TỔ CHỨC BẢO HIỂM TIỀN GỬI

Điều 11. Quyền và nghĩa vụ của người được bảo hiểm tiền gửi

1. Được bảo hiểm số tiền gửi của mình tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Luật này.

2. Được nhận tiền bảo hiểm đầy đủ và đúng thời hạn theo quy định của Luật này.

3. Yêu cầu tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, chế độ về bảo hiểm tiền gửi.

4. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật.

5. Có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin về tiền gửi theo yêu cầu của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức bảo hiểm tiền gửi khi thực hiện thủ tục trả tiền bảo hiểm.

Điều 12. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi

1. Nộp hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi.

2. Được cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi.

3. Nộp phí bảo hiểm tiền gửi đầy đủ và đúng thời hạn.

4. Yêu cầu tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.

5. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật.

6. Cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo định kỳ hoặc theo yêu cầu của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019

Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 và Luật Viên chức số...

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu,...

Thông tư số 04/2020/TT-BTP quy định chi tiết Luật Hộ tịch

Thông tư số 04/2020/TT-BTP quy định chi tiết Luật Hộ tịch là nội dung được chúng tôi chia sẻ trong bài viết này. Mời Quý vị theo...

Luật Lý lịch tư pháp số 28/2009/QH12

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10, Quốc hội ban hành Luật lý lịch tư pháp số...

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp tới Quý đôc giả thông tin Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm...

Xem thêm