Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Chứng khoán Hoạt động kinh doanh chứng khoán là gì? Vai trò và đặc điểm hoạt động kinh doanh chứng khoán
  • Thứ sáu, 27/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 1565 Lượt xem

Hoạt động kinh doanh chứng khoán là gì? Vai trò và đặc điểm hoạt động kinh doanh chứng khoán

Hoạt động kinh doanh chứng khoán là gì? Vai trò và đặc điểm hoạt động kinh doanh chứng khoán? Cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!

Kinh doanh chứng khoán là nghề thương mại khá đặc thù và còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Vì thế, việc làm rõ khái niệm, đặc điểm và các loại hình hoạt động kinh doanh chứng khoán chắc hẳn sẽ hữu ích ít nhiều cho những ai muốn quan tâm đến nghề kinh doanh đặc biệt này ở nước ta, trong hiện tại cũng như tương lai. 

Hoạt động kinh doanh chứng khoán là gì?

Cùng với sự xuất hiện của nghề kinh doanh chứng khoán, thuật ngữ “kinh doanh chứng khoán” thực chất mới được du nhập và sử dụng ở nước ta trong thời gian gần đây do hệ quả của quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. 

Trong pháp luật thực định ở các nước, tùy thuộc vào quan điểm tiếp cận của nhà làm luật mà khái niệm kinh doanh chứng khoán được định nghĩa không hoàn toàn giống nhau. Chẳng hạn, theo quy định của Luật chứng khoán Hàn Quốc, thuật ngữ “kinh doanh chứng khoán được hiểu là bất kì nghiệp vụ kinh doanh nào nằm trong các trường hợp sau: 

1/ Mua và bán chứng khoán

2/ Mua và bán chứng khoán theo uỷ thác; 

3/ Hoạt động như một trung gian hoặc đại lý liên quan đến việc mua hoặc bán chứng khoán; 

4/ Hoạt động như một trung gian hoặc đại lý liên quan đến tín thác các giao dịch được thực hiện trên thị trường chứng khoán; 

5/ Bảo lãnh phát hành chứng khoán; 

6/ Thực hiện việc chào bán ra công chúng các chứng khoán tồn đọng; 

7/ Thu xếp chào bán ra công chúng các chứng khoán phát hành mới hoặc các chứng khoán tồn đọng. 

Tương tự như cách tiếp cận của Luật chứng khoán Hàn Quốc, pháp luật về chứng khoán ở một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia cũng đều quy định hoạt động kinh doanh chứng khoán bao gồm các hành vi môi giới chứng khoán; bảo lãnh phát hành chứng khoán; quản lý quỹ đầu tư và danh mục đầu tư; tư vấn đầu tư chứng khoán. Trong khi đó, Luật chứng khoán Trung Quốc hoàn toàn không đưa ra định nghĩa chính thức nào về kinh doanh chứng khoán mà chỉ có các quy định về giao dịch chứng khoán. 

Ở Việt Nam, theo quy “kinh doanh chứng khoán là việc thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, lưu kí chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và quản lí danh mục đầu tư chứng khoán”.

Với định nghĩa này, khái niệm kinh doanh chứng khoán ở Việt Nam được hiểu theo nghĩa khá rộng và cơ bản tương đồng với khái niệm kinh doanh chứng khoán trong pháp luật các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Nói một cách khái quát, kinh doanh chứng khoán là loại hình hoạt động thương mại đặc biệt mà ở đó các công ti chứng khoán, công ti quản lý quỹ và các chủ thể được phép kinh doanh chứng khoán tiến hành các nghiệp vụ về chứng khoán cho chính mình hoặc cho khách hàng vì mục tiêu thu lợi nhuận tối đa. 

Trong giai đoạn đầu của thị trường chứng khoán, các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán chủ yếu bao gồm tự doanh; bảo lãnh phát hành và môi giới chứng khoán. Về sau, do nhu cầu khách quan của thị trường chứng khoán, một số loại hình kinh doanh chứng khoán mới được hình thành như hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư và lưu kí chứng khoán. Những hoạt động kinh doanh chứng khoán sau này thực chất là các dịch vụ về chứng khoán, do các nhà kinh doanh chứng khoán chuyên nghiệp thực hiện đối với khách hàng. 

Đặc điểm của hoạt động kinh doanh chứng khoán 

Mặc dù pháp luật các nước có những cách định nghĩa khác nhau về khái niệm kinh doanh chứng khoán nhưng về phương diện lí thuyết, hoạt động kinh doanh chứng khoán ở bất cứ nước nào cũng bao hàm những đặc trưng cơ bản sau đây: 

Thứ nhất, kinh doanh chứng khoán là nghề thương mại đặc thù, có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của các nhà đầu tư là công chúng và các doanh nghiệp. Vì thế, những chủ thể muốn thực hiện nghề nghiệp này nhất thiết phải thoả mãn một số điều kiện khắt khe về mặt tài chính (vốn tự có ban đầu khi thành lập) cũng như về mặt pháp lí (tư cách pháp nhân của công ti và tư cách pháp lý của những thành viên góp vốn vào công ti), thậm chí kể cả những điều kiện về cơ sở vật chất, kĩ thuật để thực hiện hoạt động kinh doanh chứng khoán.

Việc quy định các điều kiện thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán chính là nhằm đảm bảo cho thị trường chứng khoán hoạt động an toàn, hiệu quả và đặc biệt là bảo đảm cho quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Thứ hai, đối tượng của hoạt động kinh doanh chứng khoán chính là các chứng khoán – giá trị động sản và các dịch vụ về chứng khoán. Đây là những hàng hoá và dịch vụ đặc biệt được giao dịch trên thị trường đặc biệt – thị trường chứng khoán và các giao dịch đó phải tuân thủ quy chế pháp lí đặc biệt do pháp luật về chứng khoán quy định.

Thứ ba, hoạt động kinh doanh chứng khoán phải tuân thủ một số nguyên tắc đặc thù của thị trường chứng khoán, chẳng hạn như nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư. Việc thể chế hoá bằng pháp luật những nguyên tắc này là những bảo đảm pháp lí cho sự vận hành an toàn, hiệu quả của thị trường chứng khoán đồng thời bảo vệ một cách hữu hiệu quyền và lợi ích hợp pháp cho các nhà đầu tư tham gia thị trường. 

Vai trò của hoạt động kinh doanh chứng khoán

Lịch sử phát triển thăng trầm và đầy biến động của thị trường chứng khoán mấy trăm năm qua đã chứng minh rằng thị trường chứng khoán nói chung và hoạt động kinh doanh chứng khoán nói riêng có vai trò quan trọng đối với các nền kinh tế trên thế giới. Ngày nay, hầu hết các nền kinh tế phát triển ở trình độ cao đều là những nước có thị trường chứng khoán hoạt động rất sôi động và an toàn, hiệu quả. | Ở mức độ khái quát, có thể nhận thấy vai trò của hoạt động kinh doanh chứng khoán được thể hiện trên những khía cạnh chủ yếu sau đây: 

Một là kinh doanh chứng khoán là phương thức thiết lập kênh dẫn vốn trực tiếp giữa các nhà đầu tư là công chúng với Chính phủ và doanh nghiệp. 

Hai là kinh doanh chứng khoán khiến cho dòng vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán vận hành nhanh hơn, hiệu quả hơn thông qua các nghiệp vụ chính như môi giới chứng khoán, bảo lãnh phát hành, tự doanh, quản lý danh mục đầu tư hay tư vấn đầu tư chứng khoán. 

Ba là kinh doanh chứng khoán là chất xúc tác, thúc đẩy thị trường chứng khoán hoạt động thông qua đòn bẩy lợi ích kinh tế của các nhà kinh doanh chứng khoán chuyên nghiệp. Điều dễ hiểu là khi các nhà kinh doanh chứng khoán được lợi nhiều hơn trong các hoạt động kinh doanh thì đương nhiên họ sẽ tham gia vào thị trường chứng khoán một cách tích cực hơn và ngược lại. Khoản lợi ích này thực chất là sự chia sẻ giữa khách hàng với các nhà kinh doanh chứng khoán thông qua con đường thương lượng bằng các hợp đồng. 

Tóm lại, vai trò tác động của hoạt động kinh doanh chứng khoán đối với hoạt động kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng là không thể phủ nhận. Do vậy, việc điều chỉnh bằng pháp luật đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán nhằm định hướng cho hoạt động này phát triển phù hợp với các quy luật kinh tế, phù hợp với mục tiêu quản lí của Nhà nước là điều cần thiết và rất hữu ích.

Đánh giá bài viết:
5/5 - (6 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Công ty TNHH có được lên sàn giao dịch chứng khoán không?

Lên sàn chứng khoán là hình thức mà một công ty lần đầu phát hành chứng khoán ra công chúng sau khi được các sở giao dịch chứng khoán (sàn chứng khoán) cho phép và tổ chức giao...

Đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép thành lập, hoạt động kinh doanh chứng khoán

Đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép thành lập, hoạt động kinh doanh chứng khoán như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết này...

Cơ chế giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng khoán

Cơ chế giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng khoán như thế nào? Bài viết sẽ có những chia sẻ giúp Quý độc giả làm...

Khái niệm, đặc điểm tranh chấp, giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng khoán

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ về : Khái niệm, đặc điểm tranh chấp, giải quyết tranh chấp về chứng khoán và thị trường chứng...

Nội dung pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ về Nội dung pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi