Hiến chương là gì?

  • Tác giả: My Ly |
  • Cập nhật: 04/03/2024 |
  • WIKI hỏi đáp |
  • 3716 Lượt xem
5/5 - (5 bình chọn)

Có lẽ chúng ta đã nghe qua khá nhiều như: Hiến chương Liên Hợp Quốc, hiến chương ASEAN… vậy có bao giờ bạn thắc mắc và đặt ra câu hỏi Hiến chương là gì?

Dưới đây chúng tôi cung cấp đến quý bạn đọc thông tin giải đáp Hiến chương là gì? Kính mời quý bạn đọc cùng theo dõi.

Hiến chương là gì?

Theo từ điển Luật học trang 186 có giải thích về Hiến chương như sau:

“ 1. Ở Việt Nam xưa, hiến chương có tính chất pháp luật, khuôn phép của nhà nước phong kiến. VD: “Lịch triều hiến chương loại chí” do Phan Huy Chú biên soạn gồm 10 chí trong đó có nhiều chí là những pháp luật của các triều vua, VD Quan chức chí (công chức), Quốc dụng chí (tài chính thuế khóa), Hình luật chí (pháp luật), vv.

2. Ở Châu Âu, hiến chương là văn bản của nhà vua quy định một cách long trọng các quyền và nghĩa vụ cơ bản của thần dân, có tính chất như hiến pháp sau khi có cách mạng tư sản. VD: Đại hiến chương chương của các hoàng đế nước Anh năm 1215; Đại hiến chương các quyền tự do hiến chương đời vua Lu – I (Louis thứ 18) vào thời kì Quân chủ tháng bảy của Pháp.

3. Văn kiện kí kết giữa nhiều nước xác lập các mối quan hệ quốc tế, quyền và nghĩa vụ của các thành viên, tổ chức và hoạt động của một tổ chức quốc tế. VD. Hiến chương Liên hợp quốc.”

Theo đó, dựa vào nội dung từ điển giải thích cùng với các đặc điểm của Hiến chương hiện nay có thể hiểu: Hiến chương là một loại điều ước quốc tế được ký kết giữa nhiều bên, quy định mục đích,nguyên tắc hoạt động và thể lệ về quan hệ quốc tế giữa các bên tham gia ký kết.

Hiến chương tiếng Anh là charter. Ví dụ: Hiến chương liên hiệp quốc là Charter of  United Nations

Đặc điểm của hiến chương

Sau khi tìm hiểu Hiến chương là gì? chúng ta tìm hiểu một số đặc điểm của hiến chương sau:

– Hiến chương là một loại điều ước quốc tế ký kết giữa nhiều bên.

Theo Công ước Viên năm 1969 về Luật Điều ước quốc tế ký kết giữa các quốc gia điều ước quốc tế được xác định là :“ một thỏa thuận quốc tế được ký kết bằng văn bản giữa các quốc gia và được pháp luật quốc tế điều chỉnh, dù được ghi nhận trong một văn kiện duy nhất hoặc trong hai hay nhiều văn kiện có quan hệ với nhau và với bất kể tên gọi riêng của nó là gì”.

Tuỳ theo tính chất của các loại văn kiện mà điều ước quốc tế có thể có tên gọi riêng như: hiến chương, công ước, hiệp ước, hiệp nghị,hiệp định,…Theo đó,  hiến chương là tên gọi của một điều ước quốc tế nhiều bên ký kết tham gia, ấn định những nguyên tắc cơ bản về quan hệ giữa các nước với nhau, ví dụ như hiến chương Liên hợp quốc, …

– Hiến chương thường là văn kiện xác định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của một số tổ chức quốc tế quan trọng.

Ví dụ:Liên hợp quốc được xác định thành lập thông qua Hiến chương Liên hợp quốc: “…Vì vậy, các chính phủ chúng tôi thông qua các đại diện có đủ thẩm quyền hợp lệ, họp tại thành phố San Francisco, đã thoả thuận thông qua Hiến chương này và lập ra một Tổ chức quốc tế lấy tên là Liên Hợp Quốc.”

Tuy nhiên, không phải bất cứ tổ chức quốc tế nào cũng được thành lập trên cơ sở của Hiến chương. Ví dụ: ASEAN là tổ chức quốc tế được thành lập trên cơ sở văn kiện chính trị nền là Tuyên bố Bangkok ra đời ngày 8/8/1967.

– Trong hiến chương thường nêu rõ mục đích và nguyên tắc hoạt động của tổ chức quốc tế, các cơ quan của tổ chức, quyền và nghĩa vụ của mỗi cơ quan, trình tự thành lập các cơ quan đó và tính chất đại diện của các thành viên của tổ chức.

– Hiến chương quy định việc kết nạp thêm thành viên mới, các nguyên tắc cơ bản về hợp tác giữa các thành viên, trình tự, thủ tục thông qua các nghị quyết, quyết định và việc thực hiện các quyết định, nghị quyết đó.

Nội dung của Hiến chương

Hiến chương thường có các nội dung cơ bản như: Lời nói đầu và các chương, điều quy định về: Nhiệm vụ; Cơ cấu tổ chức; Mục đích, nguyên tắc tổ chức và hoạt động; Chức năng và thẩm quyền, quyền và nghĩa vụ của mỗi cơ quan,…

Ví dụ:

+ Nội dung Hiến chương Liên Hợp Quốc: phần mở đầu, 19 chương, 111 điều gồm: nhiệm vụ chủ yếu của Liên hợp quốc; Cơ cấu tổ chức, mục đích, nguyên tắc tổ chức và hoạt động; Chức năng và thẩm quyền của Liên hợp quốc, của hệ thống các cơ quan, tổ chức trực thuộc Liên Hợp Quốc như Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế và Xã hội, Hội đồng Quản thác, Toà án Quốc tế, Ban Thư kí,… Quy chế Toà án Quốc tế Liên hợp quốc (gồm 5 chương và 70 điều) là bộ phận không thể tách rời của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

+ Nội dung Hiến chương ASEAN: Lời nói đầu và 13 Chương, 55 Điều, gồm: Mục đích, nguyên tắc hoạt động; Tư cách pháp nhân; Quy chế thành viên; Cơ cấu tổ chức; Các thể chế liên quan ASEAN; Các ưu đãi miễn trừ; Ra quyết định; Giải quyết tranh chấp; Tài chính – Ngân sách; Các vấn đề hành chính – thủ tục; Biểu trưng và biểu tượng; Quan hệ đối ngoại và các điều khoản chung.

Ý nghĩa của Hiến chương

Hiến chương của mỗi tổ chức quốc tế sẽ có những vai trò, ý nghĩa riêng. Tuy  nhiên có thể khái quát ý nghĩa của hiến chương cơ bản gồm: Là nền tảng cho sự ra đời và các nguyên tắc hoạt động của tổ chức quốc tế; Quy định bộ máy tổ chức của tổ chức đó, tạo ra khung pháp lý cho các hoạt động của các chủ thể gia nhập tổ chức; Góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác giữa các thành viên tham gia tổ chức, có thể trở thành nguồn để giải quyết các quan hệ quốc tế của Luật quốc tế,…

Ví dụ: Ý nghĩa của hiến chương ASEAN đối với ASEAN gồm tạo ra khung pháp lý vững vàng góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác ASEAN; Gia tăng vị thế quốc tế của ASEAN với các đối tác bên ngoài; góp phần khắc phục những khiếm khuyết và cải tiến chất lượng và hiệu quả các chương trình, hoạt động hợp tác của ASEAN…

Trên đây, chúng tôi mang tới cho Quý khách hàng những thông tin cần thiết liên quan tới Hiến chương là gì? Để biết thêm thông tin chi tiết Quý khách hàng đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi qua Tổng đài tư vấn trực tuyến để được hỗ trợ nhanh chóng nhất.

5/5 - (5 bình chọn)