Định kiến giới là gì? Ví dụ định kiến giới

  • Tác giả: Phạm Thị Kim Oanh |
  • Cập nhật: 04/03/2024 |
  • WIKI hỏi đáp |
  • 2557 Lượt xem
5/5 - (5 bình chọn)

Khi tìm hiểu về bình đẳng giới, Quý vị có lẽ sẽ bắt gặp khái niệm định kiến giới. Vậy định kiến giới là gì? Để hiểu đúng về khái niệm nay, Quý vị đừng bỏ qua những chia sẻ của chúng tôi trong trong nội dung bài viết.

Định kiến giới là gì?

Định kiến giới là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ theo khoản 4 Điều 5 Luật Bình đẳng giới năm 2006.

Định kiến giới là suy nghĩ của mọi người về những gì mà phụ nữ và nam giới có khả năng làm và loại công việc mà họ có thể làm và nên làm; là tập hợp các đặc điểm mà một nhóm người, một cộng đồng cụ thể nào đó gán cho là thuộc tính của nam giới hay nữ giới.

Các định kiến giới thường theo xu hướng thiên lệch, ít tích cực, thậm chí đôi khi còn mang tính tiêu cực, dẫn đến sự sai lệch và hạn chế trong việc nhìn nhận, đánh giá những điều mà cá nhân nam hoặc nữ có thể làm, cần làm hoặc nên làm.  
Định kiến giới, khuôn mẫu giới có liên quan đến nhau và xuất phát từ quan niệm, kỳ vọng xã hội. Chúng đều là nguyên nhân gây nên sự bất bình đẳng giới.

Ví dụ định kiến giới

Để giúp Quý vị hiểu rõ hơn về định kiến giới là gì? Chúng tôi đưa ra ví dụ định kiến giới, cụ thể là định kiến về năng lực tại nơi làm việc:

Chúng ta hay có xu hướng đánh giá thấp năng lực của phụ nữ và đánh giá cao năng lực của đàn ông. Và kết quả là, phụ nữ phải đạt được nhiều thành quả hơn để chứng minh rằng mình ngang bằng nam giới. Đây là lí do tại sao phụ nữ thường được tuyển dụng dựa trên thành quả đã đạt được (phụ nữ phải chứng minh rằng mình đã có những kỹ năng cần thiết), trong khi đàn ông thường được tuyển vào dựa trên triển vọng tương lai (ta thường giả định rằng họ vốn có sẵn các kỹ năng cần thiết).

Để hiểu thêm về tác động của định kiến này, hãy xem xem điều gì xảy ra khi yếu tố giới tính được loại bỏ trong quá trình ra quyết định. Trong một nghiên cứu, việc thay tên phụ nữ bằng tên nam giới trên hồ sơ ứng tuyển khiến cho khả năng được nhận vào làm tăng đến hơn 60%. Trong một nghiên cứu khác, khi các dàn nhạc giao hưởng lớn cho giấu mặt ứng viên – tức là chỉ nghe họ chơi nhạc mà không nhìn xem đó là ai – thì khả năng các ứng viên nữ vượt qua vòng đầu tiên tăng đến 50%.

Định kiến về năng lực thường dẫn tới việc nữ giới bị lỡ mất cơ hội và bị đánh giá thấp hơn trong công việc – và cả hai điều này ảnh hưởng vô cùng lớn đến khả năng phát triển sự nghiệp. Định kiến này còn thể hiện rõ rệt hơn khi các tiêu chuẩn đánh giá không được công bố rõ ràng, tạo điều kiện cho cấp trên và những người xung quanh dựa vào cảm giác và phán đoán cá nhân khi đưa ra quyết định.

Định kiến giới có vi phạm pháp luật?

Theo Điều 40, 41 Luật Bình đẳng giới hiện hành thì:

Điều 40. Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế

1. Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị bao gồm:

a) Cản trở việc nam hoặc nữ tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp vì định kiến giới;

b) Không thực hiện hoặc cản trở việc bổ nhiệm nam, nữ vào cương vị quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới;

[…] 2. Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế bao gồm:

a) Cản trở nam hoặc nữ thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động kinh doanh vì định kiến giới;

[…] 4. Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo bao gồm:

[…] d) Giáo dục hướng nghiệp, biên soạn và phổ biến sách giáo khoa có định kiến giới.

[…] 6. Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao bao gồm:

a) Cản trở nam, nữ sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật, biểu diễn và tham gia các hoạt động văn hóa khác vì định kiến giới;

b) Sáng tác, lưu hành, cho phép xuất bản các tác phẩm dưới bất kỳ thể loại và hình thức nào để cổ vũ, tuyên truyền bất bình đẳng giới, định kiến giới;

[…] 7. Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế bao gồm:

a) Cản trở, xúi giục hoặc ép buộc người khác không tham gia các hoạt động giáo dục sức khỏe vì định kiến giới;

Điều 41. Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong gia đình

[…] 2. Không cho phép hoặc cản trở thành viên trong gia đình tham gia ý kiến vào việc sử dụng tài sản chung của gia đình, thực hiện các hoạt động tạo thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì định kiến giới.

Tương ứng với việc quy định các hành vi vi phạm trên, Nghị định số 125/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ Quy định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới có quy định biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong các lĩnh vực vì định kiến giới. Do đó, nếu định kiến giới được thể hiện dưới dạng hành vi có thể xác định là hành vi vi phạm pháp luật và có chế tài tương ứng.

Xóa bỏ định kiến giới thế nào?

Do định kiến nói chung và định kiến giới nói riêng mang tính cố hữu, việc xóa bỏ định kiến giới không chỉ diễn ra trong một ngày, hai ngày mà là một quá trình, đòi hỏi nhiều thời gian, biện pháp phối hợp, đặc biệt là cần sự quan tâm, chung tay của tất cả chúng ta. Điều quan trọng nhất là nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới cho tất cả mọi người. Việc giáo dục về bình đẳng giới, định kiến giới cần được gia đình, nhà trường và xã hội thống nhất tiến hành. Nội dung về bình đẳng giới được đưa vào giảng dạy một cách lý thú để đem lại hiệu quả đối với học sinh, sinh viên trong các cấp học. Việc bổ sung, hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật về bình đẳng giới rất quan trọng, làm cơ sở cho việc áp dụng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới nói chung và các hành vi vì định kiến giới nói riêng. Cần tuyên truyền, thực hiện nhiều chương trình về vấn đề giới tính, bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới để người dân có thêm kiến thức, thông tin đúng đắn, bổ ích về những vấn đề này.

Trên đây là một vài thông tin liên quan đến định kiến giới là gì? chúng tôi chia sẻ tới Quý độc giả, mong rằng đã đem đến cho Quý vị những thông tin hữu ích về định kiến giới nói riêng và bình đẳng giới nói chung. Chúng tôi rất mong nhận được những thông tin chia sẻ, đóng góp từ Quý độc giả.

5/5 - (5 bình chọn)

Một cốc là bao nhiêu aoxơ?

Cập nhật: 04/03/2024

Mbti là gì?

Cập nhật: 04/03/2024

Pồ cô sịp pồ là gì?

Cập nhật: 04/03/2024