Định chế tài chính là gì?

  • Tác giả: Ngọc Lan |
  • Cập nhật: 13/08/2021 |
  • Tư vấn pháp luật |
  • 402 Lượt xem
5/5 - (5 bình chọn)

Dọc các con đường tại Hà Nội, cách 2 – 3 mét lại nhìn thấy quảng cáo cho vay tài chính sinh viên với lãi 3.000 đồng/ 1.000.000 đồng/ ngày. Đây là cách quảng cáo thường thấy của các định chế tài chính. Vậy định chế tài chính là gì? Hoạt động nói trên có vi phạm pháp luật hay không? Sau đây, TBT Việt Nam sẽ giúp bạn giải đáp những vấn đề trên.

Định chế tài chính là gì?

Các định chế tài chính (tức thể chế, tổ chức được thành lập theo luật) là tổ chức đóng vai trò là trung gian, nhằm kết nối những người có vốn và những người cần vốn. Chúng chịu trách nhiệm về việc cung cấp dòng tiền cho thị trường thông qua việc chuyển các quỹ từ nhà đầu tư đến các công ty dưới hình thức các khoản vay, tiền gửi và đầu tư.

Như vậy, do kiểm soát được dòng tiền qua lại giữa các bên, các thể chế tài chính đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động điều tiết, bình ổn kinh tế cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dung.

Để giúp Quý độc giả rõ hơn về định chế tài chính là gì? chúng tôi sẽ cung cấp thông tin về các loại định chế tài chính.

Theo giáo trình Thị trường tài chính và các định chế tài chính, định chế tài chính được chia thành 02 nhóm sau:

Các định chế tài chính trung gian

Đây là loại hình mà tổ chức tài chính đứng giữa các nguồn cung và nguồn cầu vốn với tư cách là một nhà đầu tư trung gian, nhằm giúp cho cung và cầu vốn có thể gặp nhau thông qua việc bán các tài sản tài chính của họ và mua các tài sản tài chính của chủ thể cầu vốn. Các định chế tài chính trung gian bao gồm:

– Các tổ chức nhận tiền gửi, bao gồm: ngân hàng thương mại, hiệp hội tiết kiệm và cho vay, ngân hàng tiết kiệm tương trợ, các tổ chức tín dụng.

– Các tổ chức tiết kiệm theo hợp đồng: Công ty bảo hiểm và quĩ trợ cấp.

– Các trung gian đầu tư: Công ty tài chính và quĩ đầu tư.

Các định chế tài chính bán trung gian:

Đây là những tổ chức với tư cách là một nhà môi giới, nhằm giúp cho nguồn cung và cầu có thể gặp nhau.

Họ đóng vai trò vận chuyển, giúp chuyển các tài sản tài chính từ người phát hành đến người cần mua, từ đó giúp chuyển vốn từ người có cung vốn đến người cần vốn, do đó, không tạo ra tài chính từ hoạt động này.

Một số loại hình định chế tài chính bán trung gian thường gặp như: công ty chứng khoán, ngân hàng đầu tư.

Quy định pháp luật về lãi suất của tổ chức tín dụng

Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất cho vay tối đa là 20%/ năm. Với lãi suất 3.000 đồng/ 1.000.000 đồng/ ngày thì đã vượt quá mức lãi suất quy định trên.

Tuy nhiên, hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng lại được điều chỉnh bởi Luật Tổ chức tín dụng và văn bản pháp luật khác liên quan. Cụ thể Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định lãi suất cho vay của các công ty tài chính đối với khách hàng là do sự thỏa thuận của các bên, theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng.

Tuy nhiên, nhằm ổn định xã hội, điều tiết thị trường, trong một số trường hợp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức trần của lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam, cụ thể:

+ Vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

+ Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu; phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

+ Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Khi đó, mức lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng không được vượt quá mức trần do nhà nước quy định. Những trường hợp còn lại, lãi suất cho vay hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng với khách hàng.

Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến vấn đề Định chế tài chính là gì? Quy định pháp luật về lãi suất của tổ chức tín dụng? Mọi thắc mắc liên quan tới nội dung bài viết, quý vị có thể liên hệ qua tổng đài tư vấn 1900 6560 để được giải đáp nhanh chóng nhất.

>>Tham Khảo : Mẫu biên bản thanh lý hợp đồng

>>Tham Khảo : Mẫu biên bản nghiệm thu

Trân trọng cảm ơn!

5/5 - (5 bình chọn)