Đặc điểm của quan hệ pháp luật

  • Tác giả: My Ly |
  • Cập nhật: 04/03/2024 |
  • WIKI hỏi đáp |
  • 3062 Lượt xem
5/5 - (6 bình chọn)

Để giúp Quý độc giả có thêm thông tin khi tìm hiểu về quan hệ pháp luật, chúng tôi thực hiện bài viết Đặc điểm của quan hệ pháp luật này. Mời Quý độc giả theo dõi nội dung.

Quan hệ pháp luật là gì?

Quan hệ pháp luật (tiếng Anh là Legal relations) là các quan hệ xã hội được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật khác nhau, những quan hệ xã hội này xác lập, phát triển, tồn tại hay chấm dứt dựa trên quy định của pháp luật, các bên tham gia vào quan hệ đó là những chủ thể có quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp lý phát sinh được pháp luật quy định và Nhà nước sẽ bảo đảm thực hiện.

Quan hệ xã hội thể hiện các mối quan hệ rộng giữ cá nhân với cá nhân, cá nhân với tổ chức trong đời sống, sinh hoạt. Quan hệ này tồn tại một cách khách quan, được điều chỉnh tổng thể bởi các quy phạm đạo đức, quy phạm xã hội, phong tục tập quán và đảm bảo thực hiện bằng dư luận xã hội hoặc biện pháp đặc thù của các tổ chức.

Còn quan hệ pháp luật được điều chỉnh bới các quy phạm pháp luật với những đặc điểm, yếu tố cấu thành riêng. Và quan hệ pháp luật là sự thể hình thức pháp lý của quan hệ xã hội, do khoa học pháp lý nghiên cứu.

Pháp luật chia thành nhiều lĩnh vực khác nhau để điều chỉnh các quan hệ xã hội một cách phù hợp, theo đó, quan hệ pháp luật cũng được chia theo nhiều lĩnh vực như quan hệ pháp luật dân sự, quan hệ pháp luật hình sự, quan hệ pháp luật hành chính, quan hệ pháp luật lao động, quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình,…

Ví dụ quan hệ pháp luật

Ngày 8/6/2022, A đăng ký kết hôn với B tại UBND xã X nơi cư trú của A.

Quan hệ hôn nhân giữa A và B là quan hệ pháp luật bởi quan hệ này được điều chỉnh quy định nhiều quy định pháp luật khác nhau. Quan hệ này xác lập, phát triển và chấm dứt bởi nhiều quy định pháp luật khác nhau như Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật dân sự, Luật Tố tụng dân sự,…

Ví dụ:

– Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn. Đây là cơ sở xác định: quan hệ hôn nhân giữa A và B được xác lập từ sự kiện đăng ký kết hôn.

– Luật Hôn nhân và gia đình quy định về quyền, nghĩa vụ của hai bên vợ, chồng và chấm dứt quan hệ hôn nhân.

A và B là những chủ thể có quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp lý phát sinh được pháp luật quy định và Nhà nước sẽ bảo đảm thực hiện.

Ví dụ:

Khoản 1 Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình có quy định về nghĩa vụ chung thủy của vợ, chồng. Cùng với đó, Luật cũng quy định nguyên tắc hôn nhân một vợ, một chồng. Khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ của vợ, chồng, pháp luật có những cơ chế xử lý tùy trường hợp như có thể xử lý về hình sự theo Điều 182 Bộ luật hình sự – Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng:

1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Tương tự như quan hệ hôn nhân giữa A và B, quan hệ giữa A, B và UBND xã X trong việc đăng ký, giải quyết đăng ký kết hôn cũng là một quan hệ pháp luật. Quan hệ này chủ yếu được điều chỉnh bởi các quy phạm của pháp luật hộ tịch (Luật Hộ tịch 2014, Nghị định 123/2015/NĐ-CP,…).

Nội dung quan hệ pháp luật

Nội dung của quan hệ pháp luật là tổng thể các quyền chủ thể và nghĩa vụ pháp lý của các bên chủ thể tham gia.

Nội dung của quan hệ pháp luật bao gồm:

Thứ nhất: Quyền chủ thể

Quyền chủ thể là khả năng hành động mà pháp luật bảo đảm cho cá nhân, tổ chức được tiến hành nhằm thỏa mãn quyền lợi của họ.

Chủ thể thực hiện quyền của mình thông qua các khả năng sau:

– Thực hiện một số hành vi trong khuôn khổ pháp luật quy định để thỏa mãn nhu cầu của mình;

– Yêu cầu chủ thể khác thực hiện hoặc kiềm chế không thực hiện những hành vi nhất định: Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Thứ hai: Nghĩa vụ pháp lý

Nghĩa vụ pháp lý là cách xử sự bắt buộc do pháp luật quy định mà một bên phải thực hiện nhằm đáp ứng việc thực hiện quyền chủ thể của bên kia.

Nghĩa vụ pháp lý bao hàm các yếu tố sau:

– Chủ thể nghĩa vụ phải hành động hoặc kiềm chế không hành động;

– Chủ thể nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm pháp lý trong trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không.

Đặc điểm quan hệ pháp luật

Các đặc điểm quan hệ pháp luật như sau:

– Quan hệ này được phát sinh trên cơ sở quy phạm pháp luật. Trong đó, quy phạm pháp luật là sự dự liệu tình huống nảy sinh quan hệ pháp luật, xác định được chủ thể tham gia, quyền lợi và nghĩa vụ pháp lý.

– Quan hệ mang tính ý chí, đây là ý chí của Nhà nước sau đó mới là ý chí của các bên tham gia vào quan hệ đó.

– Nhà nước đảm bảo cho việc thực hiện quan hệ pháp luật, thậm chí là bảo đảm bằng các biện pháp cưỡng chế thi hành.

– Khi tham gia quan hệ này, các bên bị ràng buộc bằng quyền chủ thể và nghĩa vụ mà pháp luật quy định.

– Quan hệ pháp luật còn mang tính cụ về chủ thể tham gia là cá nhân, tổ chức hay cơ quan nhà nước cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia.

Phân loại quan hệ pháp luật

Dựa trên những tiêu chí khác nhau, quan hệ pháp luật có thể được chia thành những loại khác nhau:

– Căn cứ vào đối tượng và phương pháp điều chỉnh có quan hệ pháp luật được chia theo các ngành luật, đó là quan hệ pháp luật hình sự; quan hệ pháp luật dân sự; quan hệ pháp luật hành chính; quan hệ pháp luật lao động…

– Căn cứ vào tính xác định của thành phần chủ thể: Quan hệ pháp luật được chia thành quan hệ pháp luật tương đối (các bên chủ thể tham gia quan hệ đều được xác định) và quan hệ pháp luật tuyệt đối (chỉ xác định bên chủ thể mang quyền, còn bên chủ thể mang nghĩa vụ là bất cứ chủ thể nào).

– Căn cứ vào tính chất của nghĩa vụ: Quan hệ pháp luật được chia thành quan hệ pháp luật chủ động (nghĩa vụ pháp lý được thực hiện bằng hành động tích cực, hợp pháp) và quan hệ pháp luật thụ động (nghĩa vụ pháp lý được thực hiện bằng việc kiềm chế không thực hiện một số việc làm nhất định).

– Căn cứ vào cách thức tác động đến chủ thể tham gia: Quan hệ pháp luật được chia thành quan hệ pháp luật điều chỉnh (hình thành trên cơ sở quy phạm pháp luật điều chỉnh) và quan hệ pháp luật bảo vệ (hình thành trên cơ sở quy phạm pháp luật bảo vệ).

Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về Đặc điểm quan hệ pháp luật, rất mong nhận được những thông tin đóng góp, phản hồi của Quý độc giả về nội dung bài viết.

5/5 - (6 bình chọn)