Chứng chỉ năng lực xây dựng hạng 3 là gì?

  • Tác giả: Vũ Thu Hà |
  • Cập nhật: 04/03/2024 |
  • WIKI hỏi đáp |
  • 463 Lượt xem
5/5 - (5 bình chọn)

Khi hoạt động kinh doanh một số ngành, nghề, pháp luật quy định doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện nhất định. Một trong số đó là điều kiện về chứng chỉ. Trong các chứng chỉ thì chứng chỉ năng lực xây dựng hạng 3 hiện nay được đặc biệt quan tâm. Vậy chứng chỉ năng lực xây dựng hạng 3 là gì? Cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết này để có thêm thông tin làm rõ nhé!

Chứng chỉ năng lực xây dựng hạng 3 là gì?

Chứng chỉ năng lực xây dựng hạng 3 hay chính xác là Chứng chỉ năng lực tổ chức hoạt động xây dựng hạng III được biết đến như một bản đánh giá rút gọn của Sở Xây dựng dành cho các tổ chức thể hiện tổ chức đủ điều kiện, năng lực để tham gia vào các hoạt động xây dựng theo quy định pháp luật. Thời hạn của chứng chỉ này là 10 năm.

Ngoài việc chia sẻ chứng chỉ năng lực xây dựng hạng 3 là gì? chúng tôi cung cấp thêm thông tin về điều kiện, hồ sơ cấp chứng chỉ năng lực xây dựng hạng 3 trong các phần tiếp theo của bài viết. Mời Quý vị tiếp tục theo dõi:

Điều kiện cấp chứng chỉ năng lực xây dựng hạng 3

Theo Nghị định 100/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 07 năm 2018 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng thì:

1. Tổ chức phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định khi tham gia hoạt động xây dựng các lĩnh vực sau đây:

a) Khảo sát xây dựng, bao gồm: Khảo sát địa hình; khảo sát địa chất công trình.

b) Lập quy hoạch xây dựng.

c) Thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng công trình, bao gồm: Thiết kế kiến trúc công trình; thiết kế kết cấu công trình dân dụng – công nghiệp; thiết kế cơ – điện công trình; thiết kế cấp – thoát nước công trình; thiết kế xây dựng công trình giao thông; thiết kế xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn; thiết kế xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật.

d) Quản lý dự án đầu tư xây dựng.

đ) Thi công xây dựng công trình.

e) Giám sát thi công xây dựng công trình.

g) Kiểm định xây dựng.

h) Quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

2. Tổ chức khi tham gia hoạt động xây dựng các lĩnh vực quy định từ điểm a đến điểm e khoản 1 Điều này phải có chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng (sau đây gọi tắt là chứng chỉ năng lực).

3. Tổ chức tham gia hoạt động xây dựng quy định tại khoản 1 Điều này phải là doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp hoặc tổ chức có chức năng hoạt động xây dựng được thành lập theo quy định của pháp luật và đáp ứng các yêu cầu cụ thể đối với từng lĩnh vực hoạt động xây dựng theo quy định tại Nghị định này.

Hồ sơ cấp chứng chỉ năng lực xây dựng hạng 3 như thế nào?

Hồ sơ cấp chứng chỉ năng lực lần đầu, điều chỉnh hạng chứng chỉ năng lực bao gồm:

– Đơn đề nghị cấp chứng chỉ năng lực theo mẫu tại Phụ lục V Nghị định 100/2018/NĐ-CP của Chính phủ;

– Quyết định thành lập tổ chức trong trường hợp có quyết định thành lập;

– Quyết định công nhận phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng của tổ chức hoặc hợp đồng nguyên tắc về việc liên kết thực hiện công việc thí nghiệm phục vụ khảo sát xây dựng với phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng được công nhận (đối với tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực khảo sát xây dựng);

– Chứng chỉ hành nghề hoặc kê khai mã số chứng chỉ hành nghề trong trường hợp chứng chỉ hành nghề được cấp theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014 của các chức danh yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề; các văn bằng được đào tạo của cá nhân tham gia thực hiện công việc;

– Chứng chỉ năng lực đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trong trường hợp đề nghị điều chỉnh hạng chứng chỉ năng lực;

– Văn bằng hoặc chứng chỉ bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ phù hợp của công nhân kỹ thuật (đối với tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực thi công xây dựng);

– Hợp đồng và biên bản nghiệm thu hoàn thành các công việc tiêu biểu đã thực hiện theo nội dung kê khai.

Tổ chức gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ năng lực theo quy định qua mạng trực tuyến hoặc qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ năng lực.

Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ năng lực có trách nhiệm cấp chứng chỉ năng lực trong thời hạn 20 ngày đối với trường hợp cấp chứng chỉ năng lực lần đầu, điều chỉnh hạng, điều chỉnh, bổ sung chứng chỉ năng lực; 10 ngày đối với trường hợp cấp lại chứng chỉ năng lực. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ hoặc không hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ năng lực phải thông báo một lần bằng văn bản tới tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị.

Qua những chia sẻ trên đây của Công ty Luật Hoàng Phi chắc hẳn Quý độc giả đã có cho mình câu trả lời về chứng chỉ năng lực xây dựng hạng 3 là gì? Rất mong nhận được những thông tin chia sẻ, đóng góp có liên quan từ Quý độc giả!

5/5 - (5 bình chọn)