Chính sách tài khóa mở rộng là gì? Ví dụ về chính sách tài khóa mở rộng

  • Tác giả: Vũ Thu Hà |
  • Cập nhật: 04/03/2024 |
  • WIKI hỏi đáp |
  • 5439 Lượt xem
5/5 - (4 bình chọn)

Chính sách tài khóa mở rộng được biết đến là một công cụ để thúc đẩy nền kinh tế vĩ mô phát triển theo chiều hướng tích cực nếu áp dụng đúng cách.

Vậy chính sách tài khóa mở rộng là gì? Ví dụ về chính sách tài khóa mở rộng? Vai trò của chính sách tài khóa với nền kinh tế? Khách hàng quan tâm vui lòng theo dõi nội dung bài viết để có thêm các thông tin hữu ích.

Chính sách tài khóa mở rộng là gì?

Chính sách mở rộng có thể bao gồm chính sách tiền tệ hoặc chính sách tài khóa, hoặc kết hợp cả hai. Chính sách mở rộng là một biện pháp trong kinh tế học Keynes được sử dụng trong thời kì suy giảm và suy thoái kinh tế trong chu kì kinh tế.

Mục tiêu cơ bản của chính sách bành trướng là thúc đẩy tổng cầu để bù đắp cho những thiếu hụt trong nhu cầu tư nhân. Mục tiêu này dựa trên ý tưởng cho rằng nguyên nhân chính của suy thoái là sự thiếu hụt trong tổng cầu.

Chính sách mở rộng được thực hiện nhằm tăng cường đầu tư trong kinh doanh và chi tiêu của người tiêu dùng bằng cách bơm tiền vào nền kinh tế thông qua chi tiêu chính phủ hoặc tăng cho vay đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Như vậy nếu chúng ta nhìn từ góc độ chính sách tài khóa, chính phủ ban hành các chính sách mở rộng thông qua các công cụ ngân sách cấp cho mọi người nhiều tiền hơn. Tăng chi tiêu và cắt giảm thuế để tạo ra thâm hụt ngân sách đồng nghĩa với việc chính phủ đang đưa nhiều tiền vào nền kinh tế hơn là số tiền mà nó lấy ra.

Do vậy Chính sách tài khóa mở rộng là chính sách khi nền kinh tế quốc gia bị suy thoái, chính phủ có thể tăng mức chi tiêu, giảm thuế suất để thúc đẩy kinh tế (Chi tiêu công > Thuế). Tuy nhiên, một lưu ý rằng chính sách tài khóa mở rộng nếu không được chính phủ kiểm soát chặt chẽ có thể dẫn đến hình thành lạm phát.

Chính sách tài khóa mở rộng bao gồm cắt giảm thuế, thanh toán chuyển nhượng, giảm giá và tăng chi tiêu của chính phủ cho các dự án như cải thiện cơ sở hạ tầng.

Ví dụ về chính sách tài khóa mở rộng

Nhằm giúp Khách hàng hiểu rõ hơn về chính sách tài khóa mở rộng dưới đây chúng tôi sẽ đưa ra một số Ví dụ về chính sách tài khóa mở rộng để Khách hàng nắm rõ hơn:

Ví dụ 1: Do ảnh hưởng nặng nề của Covid 19, Bộ Tài Chính đã có tờ trình phê duyệt chủ chủ trương xây dựng nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

– Đối với thuế thu nhập DN, đề nghị gia hạn 3 tháng.

– Đối với các hộ, cá nhân kinh doanh, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2021 trong các ngành kinh tế, lĩnh vực được gia hạn.

– Đối với tiền thuê đất, bộ đề nghị gia hạn đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2021 của DN, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân thuộc đối tượng được giảm.

Ví dụ 2: Chính sách tiền tệ của ngân hàng nhà nước Việt Nam đã thực hiện các chính sách nới lỏng tiền tệ một cách mạnh mẽ.

– Hạ lãi suất điều hành tạo định hướng lãi suất và giảm lãi suất cho các tổ chức tín dụng (qua kênh cho vay tái cấp vốn, tái chiết khấu) để các tổ chức tín dụng có thể hạ lãi suất cho vay. 

– Cung cấp gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ thanh khoản và trả lương

– Cho phép giãn, hoãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới với lãi suất ưu đãi hơn

Vai trò của chính sách tài khóa trong nền kinh tế vĩ mô

Trong kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng. Theo đó:

– Đây là công cụ giúp chính phủ điều tiết nền kinh tế thông qua chính sách chi tiêu mua sắm và thuế. Ở trong điều kiện bình thường, chính sách tài khoá được sử dụng để tác động vào tăng trưởng kinh tế. Còn trong điều kiện nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái hay phát triển quá mức, chính sách tài khóa lại trở thành công cụ được sử dụng để giúp đưa nền kinh tế về trạng thái cân bằng.

– Về mặt lý thuyết, chính sách tài khóa là một công cụ nhằm khắc phục thất bại của thị trường, phân bổ có hiệu quả các nguồn lực trong nền kinh tế thông qua thực thi chính sách chi tiêu của chính phủ và thu ngân sách (thuế).

– Chính sách tài khóa là một công cụ phân phối và tái phân phối tổng sản phẩm quốc dân. Mục tiêu của chính sách là nhằm điều chỉnh phân phối thu nhập, cơ hội, tài sản, hay các rủi ro có nguồn gốc từ thị trường. Tức là chính sách tài khóa nhằm tạo lập một sự ổn định về mặt xã hội để tạo ra môi trường ổn định cho đầu tư và tăng trưởng.

– Chính sách tài khóa hướng tới mục tiêu tăng trưởng và định hướng phát triển. Tăng trưởng (thu nhập), trực tiếp hay gián tiếp, đều là mục tiêu cuối cùng của chính sách tài khóa.

Tuy nhiên chính sách này cũng có những điểm hạn chế nhất định:

– Trễ về mặt thời gian: Theo đó, để nhận biết sự thay đổi của tổng cầu, chính phủ phải mất một thời gian nhất định để thống kê những số liệu đáng tin cậy về nền kinh tế vĩ mô (có thể đến 6 tháng). Sau khi nhận biết, việc chính phủ đưa ra những quyết định về chính sách cũng phải mất thêm một khoảng thời gian nữa. Và khi chính sách được thực thi thì cũng cần phải có thời gian để tác động.

– Khi quyết định chính sách tài khoá, chính phủ luôn gặp hai vấn đề cơ bản:

Thứ nhất, chính phủ không biết được quy mô tác động cụ thể của việc điều chỉnh chi tiêu lên các biến số kinh tế vĩ mô dự tính.

Thứ hai, nếu có thể ước tính được về quy mô tác động, thì sự ước tính này cũng chỉ dựa trên cơ sở số liệu quá khứ. Từ đó dẫn đến việc các chính sách tài khóa không được như mong đợi.

– Khi kinh tế suy thoái, nghĩa là sản lượng thực tế thấp xa so với sản lượng tiềm năng và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, thì thâm hụt ngân sách thường lớn. Lúc này việc tăng thêm chi tiêu của chính phủ sẽ làm cho thâm hụt ngân sách trở nên lớn hơn, không chỉ dẫn đến nguy cơ gia tăng lạm phát mà còn làm gia tăng thêm nợ của chính phủ. Từ đó có những tác động không thuận lợi đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô.

– Việc tăng hay giảm chi tiêu ngân sách luôn là một nhiệm vụ khó khăn vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các tầng lớp dân cư.

Trên đây là một số chia sẻ của chúng tôi về chính sách tài khóa mở rộng là gì? Ví dụ về chính sách tài khóa mở rộng? Khách hàng quan tâm theo dõi nội dung bài viết, có vướng mắc nào khác vui lòng phản hồi trực tiếp để nhận hỗ trợ.

5/5 - (4 bình chọn)