Trang chủ Thông tin cần biết Bài thu hoạch giáo viên tiểu học hạng 2 2024 mới nhất
  • Thứ bẩy, 30/12/2023 |
  • Thông tin cần biết |
  • 8265 Lượt xem

Bài thu hoạch giáo viên tiểu học hạng 2 2024 mới nhất

Giáo viên tiểu học là đội ngũ rất quan trọng trong lĩnh vực trồng người, việc nâng cao trình độ chuyên môn của giáo viên sẽ góp phần nâng cao chất lượng học sinh Việt Nam

MỞ ĐẦU

Giáo dục tiểu học là một bậc học quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Bậc học này giúp cung cấp các kiến thức nền tảng để học sinh tìm hiểu thế giới xung quanh, là nền tảng cho việc học tập tại các bậc học cao hơn. Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, đòi hỏi giáo dục phải thay đổi thích nghi với môi trường mới. Nền kinh tế phát triền vừa là môi trường thúc đẩy sự phát triển của nền giáo dục, bên cạnh đó cũng cũng đặt ra những cơ hội và thách thức mới.

Với vai trò là một giáo viên tiểu học và giữ vị trí cán bộ cốt cán, hơn ai hết tôi nhận thức được những khó khăn, thách thức của nền giáo dục tiểu học hiện nay. Để góp phần trong việc tìm kiếm các giải pháp cho việc đổi mới giáo dục tiểu học, tôi đã lựa chọn đề bài:

“ Anh/chị hãy phân tích hiện trạng Giáo dục Tiểu học Việt Nam: điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức. Từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm cho đổi mới Giáo dục Tiểu học  trong công cuộc đổi mới giáo dục Phổ thông hiện nay.”

NỘI DUNG

1. Lý luận chung

1.1. Vai trò của giáo dục Tiểu học

Từ xưa đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, là bệ phóng cho sự phát triển của đất nước. Giáo dục luôn có tầm quan trọng hàng đầu đối với nền kinh tế quốc dân, đặc biệt trong giai đoạn các quốc gia cần lực lượng lao động chất lượng cao, phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đất nước có lực lượng lao động có hàm lượng tri thức cao không chỉ thúc đẩy sự phát triển của đất nước mà còn thu hút nguồn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, để góp phần nâng cao trình độ lao động cần tạo nền tảng từ giai đoạn Tiểu học. Có thể khẳng định rằng giáo dục vừa là yếu tố góp phần tăng trưởng kinh tế, vừa là yếu tố giảm thiểu tỷ lệ đói nghèo.

1.2. Xu hướng quốc tế về đổi mới và phát triển chương trình giáo dục phổ thông trên thế giới

Trên thế giới, xu hướng đổi mới giáo dục phổ thông nói chung, giáo dục tiểu học nói riêng thường khở đầu từ đổi mới chương trình. Đây cũng là nôi dung quan trọng nhất. Chương trình GD được hiểu đầy đủ nhất bao gồm các thành tố: Mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra kết quả học tập.

Chương trình giáo dục phổ thông bao gồm các nội dung cơ bản sau:

– Mục tiêu GD; giới thiệu mục tiêu chung và mục tiêu từng cấp học.

– Chuẩn; Cấu trúc của chuẩn, cách biểu đạt chuẩn.

– Cấu trúc khung; các lĩnh vực môn học; các mạch nội dung lớn.

– Xu thế tích hợp và phân hóa; tích hợp chủ yếu là tích hợp ở các môn khoa học tự nhiên và tích hợp ở các môn khoa học xã hội. đối với dạy học phân hóa đó là một xu thế tất yếu của thế giới cũng như của Việt Nam. Phân hóa được thực hiện qua 2 hình thức phân ban và tự chọn. Đối với dạy học phân ban học sinh có thể học theo môn, theo cùng một lĩnh vực, nhóm môn, ngành. Đối với dạy học phân ban có một khoảng thời gian chúng ta bàn luận rất nhiều nên giữ hay bỏ trường chuyên, lớp chọn và rồi chúng ta đã bỏ loại hình trường này. Đối với dạy học tự chọn là HS được chọn học một số môn học, nhóm môn học được đưa ra trong dạy học, tự chọn lại có thể có các hình thức tự chọn khác nhau

Ở cấp Tiểu học thường quy định HS học các môn học bắt buộc, đồng thời có một số hoạt động, chủ đề tự chọn, các hoạt động, chủ đề tự chọn này tích hợp các kĩ năng, kiến thức của các môn học bắt buộc. Chính vì vậy đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là tất yếu và hợp với xu thế phát triển của thế giới.

2. Thực trạng

2.1. Tình hình giáo dục tiểu học Việt Nam

2.1.1. Điểm mạnh, điểm yếu

Nhìn chung thực trạng giáo dục tiểu học tại Việt Nam có một số điểm mạnh.

(1) Tại các trường tiểu học, cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có đủ số lượng cán bộ quản lý.

(2) Nhà nước luôn chú trọng cải thiện cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học. Toàn quốc hiện có 13.995 trường tiểu học (với 17.609 điểm trường), trong đó số trường tiểu học công lập là 13.735 (giảm 1.052 trường so với năm học trước) và 260 trường ngoài công lập; tỉ lệ trung bình trường tiểu học/xã là 1,25; tỉ lệ trung bình điểm trường/trường tiểu học là 1,26; nhiều trường tiểu học có từ 3 đến 5 điểm trường (chủ yếu ở các vùng miền núi).

– Số trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia trên toàn quốc đạt 66%, trong đó có 1.946 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 đạt tỉ lệ 13,9%.

– Toàn quốc có 247.976 phòng học kiên cố, đạt 71.1%;  phòng bán kiên cố, đạt 24%, vẫn còn trên 5% phòng học tạm và mượn.

– Hiện tại ở cấp Tiểu học tỷ lệ phòng học trung bình chung cả nước là 0,89 (Miền núi phía Bắc 0,90; Tây Nguyên 0,85; Tây Nam Bộ 0,7) để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tỷ lệ phòng học phải đạt 1,0 (1 lớp/1 phòng học). Tỷ lệ học sinh tiểu học 2 buổi/ngày trên toàn quốc hiện nay đạt gần 80%. Nhiều địa phương đã đạt tỉ lệ 100% học sinh học 2 buổi/ngày như: Nam Định, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam. Tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ ngày thấp tập trung ở 02 khu vực: các tỉnh miền núi hoặc có đông học sinh dân tộc; khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp. Những tỉnh có tỉ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp là Tuyên Quang (44,5%), Đồng Nai (30,2 %), Hưng Yên (20%)…

(3) Thực hiện tốt xã hội hóa giáo dục. Xã hội hóa giáo dục, không chỉ là vấn đề xã hội tham gia vào việc dựng trường, mở lớp, hay tài trợ, mà còn có nghĩa là, xã hội cần được (có trách nhiệm) tham gia vào quá trình xây dựng các chương trình giáo dục.

(4) Giáo dục tiểu học tại Việt Nam đã đảm bảo được những chất lượng tối thiểu. Các mục tiêu Quốc gia đối với giáo dục tiểu học được duy trì, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Hiện nay, 100% các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, trong đó có 16 tỉnh/thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (theo Nghị định số 20/2014/NĐ-CP và Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT).

(5) Giáo dục tiểu học của Việt Nam được đánh giá tương đối cao trong khu vực. Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99%, tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm đạt 92,08%. Học sinh tiểu học Việt Nam tham gia các cuộc thi trong khu vực và quốc tế đều đạt thứ hạng cao như: thi Toán APMOS, IMC, thi Robotics, Cờ vua,… Giáo dục tiểu học Việt Nam bảo đảm được các mục tiêu giáo dục trong giai đoạn hiện nay, tạo nền móng vững chắc cho học sinh tiếp tục học lên cấp trung học cơ sở.

(6) Đội ngũ giáo viên trình độ chuyên môn ngày càng cao. Phần lớn giáo viên nằm trong biên chế yên tâm công tác và tâm huyết với nghề. Số giáo viên đạt chuẩn đào tạo và trên chuẩn đạt 99,9%.

Bên cạnh đó, giáo dục bậc tiểu học cũng còn tồn tại những điểm yếu, chẳng hạn còn học sinh lưu ban; việc tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên chưa thường xuyên, tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đạt yêu cầu; tự đánh giá chất lượng giáo dục cơ sở và việc lưu giữ minh chứng trong hoạt động tự đánh giá chưa tốt.

Giáo dục tiểu học của hệ thống giáo dục Việt Nam có những hạn chế, bất cập nhất định:

Thứ nhất: Chương trình nặng nề về truyền đạt kiến thức, chưa đáp ứng tốt yêu cầu về hình thành và phát triến phẩm chất và năng lực của học sinh. Chương trình giáo dục nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người, chưa coi trọng hướng nghiệp.

Thứ hai: Giáo dục tích hợp và phân hóa chưa thực hiện đúng và đủ; một số môn học chưa đảm bảo tính hiện đại, nhiều kiến thức hàn lâm chưa thực sự thiết thực. Khả năng nâng cao kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức.

Thứ ba: Hình thức dạy học thiên về dạy trên lớp chưa coi trọng các hoạt động trải nghiệm. Phương pháp đánh giá còn lạc hậu, hạn chế khả năng phát huy chủ động sáng tạo của học sinh.

Thứ tư: Chương trình thiết chưa đảm bảo tính liên thông trong một số môn học.

Thứ năm: Tình trạng học sinh bỏ học, học sinh ngồi nhầm lớp vẫn diễn ra ở một vài địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, đặc biệt là khu vực Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, việc thực hiện công tác giáo dục hòa nhập cho đối tượng học sinh khuyết tật còn nhiều bất cập, kết quả chưa phản ánh đúng bản chất cần được quan tâm giải quyết bằng những giải pháp tổng thể, đặc biệt đối với giáo dục Tiểu học.

2.1.2. Cơ hội thách thức

Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế, đặt ra cho hệ thống giáo dục phổ thông nói chung và giáo dục tiểu học nói riêng những cơ hội, thách thức to lớn.

Về cơ hội, Đảng và Nhà nước luôn có sự quan tâm đặc biệt đối với hoạt động giáo dục của các tỉnh miền núi, có điều kiện kinh tế khó khăn. Nhờ vậy mà có nhiều dự án đầu tư cho giáo dục, đặc biệt là các huyện miền núi, nhằm tạo sự phát triển đồng đều về giáo dục. Bên cạnh đó, giáo dục còn thu hút sự quan tâm của các cấp lãnh đạo địa phương.

Với yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đòi hỏi các thầy cô giáo cần nỗ lực trong việc nâng cáo trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp sư phạm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền giáo dục.

2.2. Nguyên nhân thực trạng

Thứ nhất: Công tác tham mưu của cán bộ quản lý giáo dục ở một số đơn vị chưa hiệu quả, việc phân cấp quản lý giáo dục chưa hợp lý.

Thứ hai: Tỷ lệ giáo viên hợp đồng chưa được xét tuyển chính thức, chưa yên tâm công tác còn nhiều. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên chưa đồng đều; cơ cấu đội ngũ chưa hợp lí, một số nơi thiếu trầm trọng giáo viên các môn chuyên như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục.

Thứ ba: Việc thực hiện giảm áp lực cho giáo viên chưa được các cấp quản lý chú trọng chỉ đạo thực hiên. Việc đánh giá giáo viên theo Chuẩn nghề nghiệp và theo Nghị định 90/2020/NĐ-CP ở một số trường tiểu học còn hình thức, chưa phản ánh đúng năng lực và hiệu quả công việc, thậm chí còn biểu hiện thiếu dân chủ,… chưa tạo động lực để giáo viên phấn đấu vươn lên; công tác bồi dưỡng giáo viên chưa hiệu quả.

2.3. Biện pháp giải quyết

Trước tình hình đó, đòi hỏi cần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục với những yếu tổ cơ bản sau:

2.3.1. Mục tiêu đổi mới

Mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới nhấn mạnh yêu cầu phát triển năng lực, chú ý phát huy tiềm năng vốn có của mỗi học sinh. Giáo dục Tiểu học nhằm giúp học sinh hình thành các cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và các kĩ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học lên THCS

2.3.2. Đổi mới chương trình giáo dục, từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực

Từ trước đến nay và chương trình hiện hành về cơ bản vẫn là chương trình tiếp cận nội dung. Tiếp cận nội dung tức là chỉ tập trung xác định và trả lời câu hỏi: Chúng ta muốn học sinh biết cái gì? Chính vì vậy thường cung cấp khối lượng kiến thức hàn lâm, khô khan, không tạo hứng thú cho học sinh.

Chương trình mới chuyển sang cách tiếp cận năng lực, đó là cách tiếp cận nêu rõ học sinh sẽ làm được gì và làm như thế nào vào cuối mỗi giai đoạn học tập trong nhà trường.

2.3.3. Đổi mới hoạt động giáo dục theo trải nghiệm tiếp cận trải nghiệm sáng tạo là một đổi mới căn bản quan trọng

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giáo dục dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo dục, từng cá nhân học sinh tham gia trực tiếp vào các hoạt động thực tiễn khác nhau của đời sống gia đình, nhà trường cũng như ngoài xã hội với tư cách là chủ thể của hoạt động, qua đó phát triển tình cảm, đạo đức các kĩ năng tích lũy kinh nghiệm riêng và phát huy tiềm năng sáng tạo của mỗi cá nhân.

2.3.4. Đổi mới đội ngũ giáo viên

– Nâng cao năng lực về vận dụng các phương pháp dạy học, giáo dục, kiểm tra đánh giá theo định hướng tích hợp phân hóa, phát triển năng lực học sinh. Hướng dẫn học sinh hoạt động trải nghiệm sáng tạo, kĩ năng tham vấn học đường tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.

– Thực hiện và thu hút mọi thành phần xã hội tham gia vào quá trình giáo dục. Giáo dục là sự nghiệp của Đảng, của nhà nước và của toàn dân. Phối hợp tốt giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường. Ban đại diện cha mẹ học sinh có tổ chức, nhiệm vụ quyền ,trách nhiệm và hoạt động theo Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh; nhà trường tạo mọi điều kiện thuận lợi để Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động. Phối hợp tốt giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội, nhà trường chủ động tổ chức, hướng dẫn học sinh tham gia các hoạt động Đoàn – Đội, hoạt động xã hội tích cực góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

2.4. Kiến nghị và đề xuất

Qua thực trạng nêu trên, tôi đưa ra một số đề xuất như sau:

Thứ nhất: Tăng cường cơ sở vật chất. Các địa phương cấp tỉnh tập trung chỉ đạo các địa phương cấp huyện tập trung nguồn lực, lồng ghép các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án để đủ phòng học theo lộ trình thực hiện sách giáo khoa ở cấp Tiểu học, tổ chức các đoàn kiểm tra, khảo sát một số địa phương khó khăn để tăng cường chỉ đạo và hỗ trợ thực hiện:

– Kiên cố hóa trường, lớp học Đầu tư xây dựng phòng học tiểu học thay thế các phòng học tạm thời như phòng tranh tre, nứa lá, đã hết niên hạn sử dụng,… tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, hải đảo.

– Xây dựng bổ sung phòng học chức năng, phòng thư viện.

– Mua sắm bổ sung thiết bị dạy học, bàn ghế, máy tính, phòng học ngoại ngữ.

Thứ hai: Chuẩn bị đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao. Các địa phương có tỷ lệ giáo viên thấp cần tiến hành lên phương án tuyến dụng giáo viên để đảm bảo thực hiện công tác giảng dạy như Tuyên Quang, Hà Giang.

Thứ ba: Phổi hợp thực hiện công tác bồi dưỡng giáo viên.

Thứ tư: Thực hiện sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, dồn dịch điểm trường đối

với cấp tiểu học, sáp nhập các trường tiểu học liên cấp. Việc sáp nhập để hình thành các trường tiểu học với trường trung học cơ sở phải phân khu vực riêng biệt cho từng cấp học nhằm đảm bảo tính đặc thù (về thời lượng tiết học, hình thức tổ chức dạy học…) tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học của mỗi cấp học;

KẾT LUẬN

Qua những nội dung đã phân tích ta thấy được rằng, giáo dục bậc tiểu học hiện nay có những điểm mạnh, điểm yếu nhất định. Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, đòi hỏi nền giáo dục cần có những bước chuyển mình mạnh mẽ đáp ứng nhu cầu nguồn lao động chất lượng cao. Trước tình hình đó đặt giáo dục tiểu học đứng trước những cơ hội, thách thức. Chính vì vậy, hơn bao giờ chúng ta cần đổi mới toàn diện, căn bản nền giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục tiểu học nói riêng.

Để có thể thực hiện các mục tiêu đề ra, đòi hỏi chúng ta cần có những bước đi mạnh mẽ từ cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp sư phạm của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý.

Đánh giá bài viết:
4.7/5 - (39 bình chọn)

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh Bắc Giang

Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh Bắc Giang có nhiệm vụ trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp; cấp hoặc từ chối cấp đăng ký doanh...

Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh Hà Nam

Phòng Đăng ký Kinh doanh tỉnh Hà Nam là phòng chuyên môn của Sở Kế hoạch và Đầu tư, có chức năng tham mưu giúp Ban Giám đốc Sở về lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp và quản lý hệ thống thông tin về doanh nghiệp trên phạm vi toàn...

Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh Bình Phước (SĐT, Email, Địa chỉ)

Thông tin về Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh Bình Phước được chúng tôi tổng hợp, chia sẻ tới Quý độc giả trong bài viết này. Do đó, Quý vị đừng bỏ...

Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh Phú Thọ ở đâu?

Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh Phú Thọ có nhiệm vụ Hướng dẫn doanh nghiệp và người thành lập doanh nghiệp về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp; hướng dẫn Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh...

SĐT, Địa chỉ Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh Vĩnh Phúc

Để giúp Quý độc giả có thêm thông tin về Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi thực hiện bài viết với những chia sẻ này. Mời Quý vị theo dõi, tham...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi