An ninh trật tự là gì?

  • Tác giả: Nguyễn Văn Phi |
  • Cập nhật: 04/03/2024 |
  • WIKI hỏi đáp |
  • 4562 Lượt xem
5/5 - (5 bình chọn)

Thời gian gần đây, tình hình tội phạm đang ngày càng diễn ra phổ biến trên nhiều lĩnh vực với mức độ nghiêm trọng ngày một tăng, đe dọa trực tiếp đến an ninh trật tự của đất nước. Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu an ninh trật tự là gì, làm thế nào để bảo vệ an ninh trật tự xã hội” cũng như các chủ thể nào chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ đó. Do đó, thông qua bài viết này, chúng tôi mong muốn đem đến cho Quý vị những nội dung cơ bản nhất về việc đảm bảo an ninh trật tự tại Việt Nam.

An ninh trật tự là gì?

An ninh  trật tự là cách viết gọn của cụm từ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội theo Khoản 1 Điều 4 Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Trong đó an ninh quốc gia là sự ổn định và phát triển bền vững về mọi mặt của một chế độ xã hội độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia. Bên cạnh đó, trật tự xã hội là trạng thái xã hội bình yên, trong đó mọi người được sống yên ổn trên cơ sở các quy phạm pháp luật, các quy tắc và chuẩn mực đạo đức, pháp lý xác định.

Như vậy, để bảo đảm an ninh trật tự của xã hội, một quốc gia phải đồng thời bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Làm thế nào để bảo vệ an ninh trật tự của xã hội?

Hiểu được An ninh trật tự là gì?  Mỗi chúng ta cần nâng cao tinh thần bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Trước hết, chúng ta cần phải bảo vệ an ninh quốc gia vì “nước mất thì nhà tan”. Nhận thức được đây là nhiệm vụ hàng đầu, cốt yếu của toàn dân, trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, Đảng đã đề ra nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, gồm:

– Bảo vệ chế độ chính trị và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

– Bảo vệ an ninh về tư tưởng và văn hoá, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

– Bảo vệ an ninh trong lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, đối ngoại và các lợi ích khác của quốc gia.

– Bảo vệ bí mật nhà nước và các mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia.

– Phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại và loại trừ các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.

Theo đó:

– Bảo vệ an ninh chính trị nội bộ là hoạt động bảo vệ chế độ chính trị của Nhà nước CHXHCNVN, bao gồm Đảng Cộng sản, các cơ quan Nhà nước và tổ chức chính trị khác; giữ vững sự trong sạch về mọi mặt của Đảng; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá hệ thống chính trị

– Bảo vệ an ninh kinh tế là hoạt động bảo vệ sự ổn định, phát triển vững mạnh của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN tránh khỏi các hoạt động phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật và các biểu hiện làm chệch hướng XHCN.

– Bảo vệ an ninh văn hóa, tư tưởng là hoạt động bảo vệ sự ổn định và phát triển bền vững của văn hóa, tư tưởng trên nền tảng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

– Bảo vệ an ninh dân tộc là bảo vệ quyền bình đẳng giữa các dân tộc, đảm bảo cho tất cả các thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam cùng phát triển theo đúng Hiến pháp, pháp luật của nhà nước; ngăn ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng dân tộc ít người để làm việc trái pháp luật, kích động gây chia rẽ giữa các dân tộc, xâm hại đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, bảo vệ an ninh quốc gia phải gắn liền với giữ gìn trật tự, an toàn xã hội vì xã hội chính là nền tảng cho sự bền vững của một quốc gia. Để đạt được mục tiêu đó, các cá nhân, tổ chức trong xã hội phải thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

– Đấu tranh phòng, chống tội phạm (trừ các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh)

– Giữ gìn trật tự nơi công cộng;

– Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông;

– Phòng ngừa, chống dịch bệnh, thiên tai;

– Bài trừ các tệ nạn xã hội;

– Bảo vệ môi trường.

Ai có trách nhiệm bảo vệ an ninh trật tự của quốc gia và xã hội?

Bảo vệ an ninh trật tự là nhiệm vụ trọng tâm, mang tính thường xuyên, lâu dài của dân tộc nên nó đòi hỏi có sự chung tay góp sức của toàn Đảng, toàn dân, dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan chuyên trách. Trong đó:

– Cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia gồm:

+ Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và các đơn vị an ninh, tình báo, cảnh sát, cảnh vệ Công an nhân dân.

+ Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy và các đơn vị bảo vệ an ninh quân đội, tình báo quân đội nhân dân.

+ Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia ở khu vực biên giới trên đất liền và trên biển.

– Lực lượng Công an nhân dân giữ vai trò nòng cốt và có chức năng tham mưu, hướng dẫn và trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự công cộng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tham gia phòng ngừa tai nạn, bài trừ tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường.

Trên đây là những nội dung trong bài viết An ninh trật tự là gì? Luật Hoàng Phi muốn chia sẻ, Quý vị còn những thắc mắc khác liên quan đến an ninh trật tự hãy liên hệ chúng tôi để được hỗ trợ theo số 1900 6557, trân trọng!

5/5 - (5 bình chọn)