Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Hết thời gian thử việc mà không ký hợp đồng thì thế nào?
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tìm hiểu pháp Luật |
  • 29578 Lượt xem

Hết thời gian thử việc mà không ký hợp đồng thì thế nào?

Hết hạn hợp đồng thử việc nhưng công ty chưa ký hợp đồng chính thức với em. Có phải là hợp đồng thử việc tự chuyển thành hợp đồng chính thức không?

Hết thời gian thử việc mà không ký hợp đồng thì thế nào?

Em là sinh viên mới tốt nghiệp đại học và có ký hợp đồng thử việc 2 tháng tại một công ty mỹ phẩm. Hết hạn hợp đồng thử việc 2 tháng em vẫn tiếp tục làm việc cho công ty mà không thấy có thông báo gì. Sau đó 1 tuần thì công ty vẫn không có ý kiến gì về vấn đề ký hợp đồng chính thức với em. Em có nhiều lần hỏi nhưng vẫn nói là đang sắp xếp. Em có nghe bạn em nói nếu hết thời gian thử việc mà không ký hợp đồng mới thì đương nhiên được chuyển sang hợp đồng chính thức có đúng không ạ?

Trả lời:

Với câu hỏi của bạn chúng tôi xin được tư vấn cho bạn như sau:

Thứ nhất: Hiện nay, không có quy định về hết hạn hợp đồng thử việc mà tiếp tục làm việc thì tự chuyển sang hợp đồng chính thức.

Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật lao động thì thông báo kết quả thử việc được quy định như sau:

” 1. Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.

Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.

Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.

2. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.”

Theo như quy định trên, hết thời hạn thử việc thì người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động kết quả công việc đã làm thử, nếu đạt yêu cầu thì kết thúc thời gian thử việc người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động ngay với người lao động. Không quy định chuyển giao từ hợp đồng thử việc sang hợp đồng chính thức như bạn của bạn đã nói. Do đó, trước khi hết hạn hợp đồng thử việc thì bên công ty của bạn phải có trách nhiệm thông báo cho bạn biết kết quả thử việc và nếu bạn đạt thì phải tiến hành ký kết hợp đồng chính thức ngay.

Hết thời gian thử việc mà không ký hợp đồng

Thứ hai: Do công ty không tiến hành ký hợp đồng ngay với bạn mà vẫn để bạn tiếp tục làm việc thì công ty sẽ bị xử lý hành chính

Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 28/2020/NĐ-CP thì biện pháp xử lý hành chính đối với công ty của bạn được áp dụng như sau:

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Yêu cầu thử việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ;

b) Không thông báo kết quả công việc người lao động đã làm thử theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần đối với một công việc;

b) Thử việc quá thời gian quy định;

c) Trả lương cho người lao động trong thời gian thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó;

d) Kết thúc thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc mà người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng lao động với người lao động.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả

a) Buộc trả đủ tiền lương của công việc đó cho người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, điểm a, b, c, d khoản 2 Điều này;

b) Buộc giao kết hợp đồng lao động với người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 2 Điều này.”

Theo quy định trên thì công ty bạn đang thử việc sẽ bị phạt tiền từ 2,5 triệu đồng đến 6 triệu đồng do không thông báo kết quả thử việc và bạn vẫn tiếp tục làm việc mà công ty không ký kết hợp đồng lao động với bạn. Ngoài ra, bạn nên làm đơn đến công ty để yêu cầu được thông báo về kết quả và nếu được nhận làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động chính thức với công ty để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Thứ ba: Trường hợp có xảy ra tranh chấp với công ty liên quan đến vấn đề thử việc

Nếu giữa bạn và công ty có xảy ra tranh chấp không hòa giải được mà phải xét xử tại tòa để có phán quyết thì:

Căn cứ: Án lệ số 20/2018/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17 tháng 10 năm 2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06 tháng 11 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, nếu:

+ Người sử dụng lao động có thư mời làm việc với nội dung xác định loại hợp đồng lao động và thời gian thử việc. Người lao động đã thử việc theo đúng thời gian thử việc trong thư mời làm việc.

+ Hết thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc mà người sử dụng lao động và người lao động không có thoả thuận nào khác.

Trường hợp này, phải xác định người lao động và người sử dụng lao động đã xác lập quan hệ hợp đồng lao động, từ đó vẫn dựa vào pháp luật về lao động để giải quyết tranh chấp.

Đã ký hợp đồng thử việc có được tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp?

Tôi nghỉ việc và được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 4 tháng. Hiện tại tôi đã được hưởng đến tháng thứ hai. Tuy nhiên, tôi vừa ký hợp đồng thử việc tại công ty mới. Luật sư cho tôi hỏi, như vậy tháng tới tôi có được hưởng trợ cấp thất nghiệp nữa hay không?

Trả lời:

Về câu hỏi của bạn Luật Hoàng Phi xin giải đáp thắc mắc như sau:

Căn cứ khoản 3 Điều 53 Luật việc làm số 38/2013/QH13 quy định về tạm dừng, tiếp tục, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp:

“3. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp sau đây:

a) Hết thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp;

b) Tìm được việc làm;

c) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

d) Hưởng lương hưu hằng tháng;

đ) Sau 02 lần từ chối nhận việc làm do trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp giới thiệu mà không có lý do chính đáng;

e) Không thực hiện thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định tại Điều 52 của Luật này trong 03 tháng liên tục;

g) Ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

h) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

i) Bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp;

k) Chết;

l) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

m) Bị tòa án tuyên bố mất tích;

n) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù.”

Căn cứ Điều 21 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP và được sửa đổi bởi Nghị định số 61/2020/NĐ-CP, người lao động được xác định là có việc làm thuộc một trong các trường hợp sau:

– Đã giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động có hiệu lực theo quy định của pháp luật;

– Có quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm đối với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm trong trường hợp này là ngày người lao động được tuyển dụng hoặc bổ nhiệm ghi trong quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm;

– Có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với trường hợp người lao động là chủ hộ kinh doanh hoặc có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với trường hợp người lao động là chủ doanh nghiệp. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày người lao động thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm về việc hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp bắt đầu hoạt động kinh doanh;

– Người lao động thông báo đã có việc làm cho trung tâm dịch vụ việc làm. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày ghi trong thông báo có việc làm của người lao động.

Như vậy, một trong những điều kiện để chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp là tìm được việc làm. Theo luật, người lao động được xác định là có việc làm là đã giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ đủ 01 tháng trở lên. Do đó, thử việc không được coi là tìm được việc làm. Vậy nên, thời gian này bạn vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp.


Trong thời gian thử việc có phải đóng bảo hiểm không?

Hiện nay tôi 22 tuổi và đang trong thời gian thử việc tại một công ty tư vấn kinh doanh trên địa bàn Hà Nội và được hưởng 85% lương. Vậy xin luật sư cho  biết, tôi có được công ty đóng bảo hiểm trong thời gian thử việc hay không? Ngoài ra, những người làm thử việc còn có những quyền lợi  nào khác không?

Trả lời:

Với câu hỏi của bạn, Luật sư của Công ty Luật Hoàng Phi xin được trả lời như sau:

Trước tiên, công ty không có trách nhiệm đóng bảo hiểm trong bạn bởi bạn không thuộc nhóm đối tượng buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, khoản 1 điều 2 luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

c) Cán bộ, công chức, viên chức;

d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

e) Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

g) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

i) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.”

Khoản 6 điều 1 Luật bảo hiểm  y tế sửa đổi 2014 quy định:

1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:

a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động);

b) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, có thể thấy, các doanh nghiệp với tư cách là chủ sử dụng lao động chỉ có nghĩa vụ đóng bảo hiểm cho người lao động dưới quyền quản lý của mình. Còn với trường hợp của bạn cũng như những người khác đang làm việc trong thời gian thử việc, giữa bạn và doanh nghiệp chưa có hợp đồng lao động chính thức nên nghĩa vụ đóng bảo hiểm của doanh nghiệp cũng chưa được đặt ra.

Còn đối với thắc mắc của bạn về quyền lợi của người đang trong thời gian thử việc, theo quy định từ điều 24 đến điều 27 Bộ luật lao động thì quyền lợi của người lao động đang trong thời gian thử việc có vài vấn đề như sau:

Thứ nhất: Pháp luật không quy định cụ thể mà cho phép các bên tự thỏa thuận hoặc lập hợp đồng thử việc quy định những quyền, nghĩa vụ của cả hai bên trong thời gian thử việc. Vậy nên, bạn có thể căn cứ vào thỏa thuận về việc làm thử hay hợp đồng thử việc với phía công ty để có thể biết được quyền lợi của mình.

Thứ hai: Về mức lương trong thời gian thử việc, bạn được hưởng 85% mức lương tương ứng với vị trí bạn làm việc là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

Thứ ba: Khi công việc làm thử đạt yêu cầu thì bạn có quyền  được giao kết hợp đồng lao động với công ty. Đồng thời, trong quá trình thử việc, bạn cũng có quyền chấm dứt thỏa thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận.


Chấm dứt hợp đồng trong thời gian thử việc?

Công ty tôi đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 3 nhân viên mới. Tôi xin hỏi pháp luật quy định như thế nào về thời gian thử việc. Giả sử trong thời gian thử việc mà công ty nhận thấy người lao động không phù hợp với vị trí làm việc đó thì công ty có thể cho người đó nghỉ việc ngay để tuyển dụng người khác vào thử việc tiếp không? Để thông báo kết quả thử việc cho người thử việc, tôi có thể dùng mẫu nào?

Trả lời:

Về câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thời gian thử việc được quy định tại điều 25 Bộ luật lao động quy định như sau:

” Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:

1. Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

2. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

3. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

4. Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.”

Mặt khác, khoản 2 Điều 27 Bộ luật lao động cũng quy định: ” Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.”

Như vậy, căn cứ vào quy định trên thì trong thời gian thử việc, nếu công ty bạn nhận thấy người lao động đó không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng thì công ty bạn có thể hủy bỏ thỏa thuận thử việc để tiếp tục tuyển dụng người khác vào thử việc mà không cần phải bồi thường cho người lao động.

Mẫu thông báo hết thời gian thử việc

Hiện nay pháp luật không có quy định về mẫu thông báo kết quả thử việc hay hết thời gian thử việc, tuy nhiên, để thực hiện trách nhiệm thông báo kết quả thử việc cho người lao động, người sử dụng lao động nên làm văn bản rõ ràng. Quý vị có thể tham khảo mẫu dưới đây:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

THÔNG BÁO 
(V/v: Kết quả thử việc) 


Kính gửi:         Anh Nguyễn Công Tuấn

Trước hết, công ty TNHH Dịch Thuật Toàn Cầu gửi lời cám ơn trân trọng đến chị, về việc đã vào thử việc tại công ty trong thời gian qua.

Ngày 20/8/2021 vừa qua, hai bên (Công ty Toàn Cầu) và Anh có ký bản Hợp đồng thử việc. Theo đó, công ty mời chị vào thử việc tại công ty cho vị trí “Nhân viên pháp lý”. Thời gian thử việc 60 ngày. Tới nay, thời gian thử việc theo thỏa thuận đã sắp kết thúc.

Qua những gì mà chị đã thể hiện trong quá trình thử việc vừa qua, công ty ghi nhận chị có nhiều cố gắng. Tuy nhiên, sau khi xem xét và cân nhắc kỹ, công ty đánh giá chị có nhiều điểm chưa phù hợp với tiêu chí và điều kiện tuyển dụng của công ty. Công ty thực sự cảm thấy rất tiếc cho cả hai bên.

Căn cứ theo quy định tại Bộ luật lao động và theo nội dung đã thỏa thuận trong Hợp đồng thử việc, nay công ty có văn bản này thông báo đến Anh như sau:

Công ty quyết định sẽ không tuyển dụng, không ký HĐLĐ với Anh sau khi kết thúc thời gian thử việc.

Lý do: chưa đạt yêu cầu tuyển dụng của công ty.

Công ty đề nghị Anh vui lòng liên hệ với Phòng kế toán để nhận tiền lương thử việc đợt cuối. Đồng thời liên hệ với Phòng Hành chính – Nhân sự để làm thủ tục bàn giao công việc, thanh lý hợp đồng thử việc và giải quyết các vấn đề còn tồn đọng (nếu có).

Một lần nữa, công ty gửi lời cám ơn về sự hợp tác của chị trong thời gian qua và chân thành chúc Anh luôn mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống, sớm tìm được việc làm phù hợp.

Trân trọng.

TM. CÔNG TY TNHH XXX
GIÁM ĐỐC

(ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

 

Đánh giá bài viết:
4.9/5 - (70 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào?

Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn được hiểu như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu để có thêm thông tin giải đáp qua bài viết này...

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu?

Thời gian thử việc đối với trình độ đại học là bao lâu? là thắc mắc được chúng tôi chia sẻ, làm rõ trong bài viết này. Mời Quý vị theo dõi, tham...

Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã nào?

Trong nội dung bài viết này, chúng tôi sẽ có những chia sẻ giúp Quý vị làm rõ thắc mắc: Mã ngành nghề kinh doanh quán cà phê là mã...

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào?

Mã ngành nghề kinh doanh dịch vụ spa là mã nào? Khi có thắc mắc này, Quý vị đừng bỏ qua những chia sẻ của chúng tôi trong bài...

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không?

Thỏa thuận góp vốn có cần lập vi bằng không? Khi có thắc mắc này, Quý vị có thể tham khảo nội dung bài viết này của chúng...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi