Trang chủ Tìm hiểu pháp Luật Tư vấn Luật Dân sự Giao kết hợp đồng là gì? Nguyên tắc giao kết hợp đồng?
  • Thứ tư, 25/05/2022 |
  • Tư vấn Luật Dân sự |
  • 7849 Lượt xem

Giao kết hợp đồng là gì? Nguyên tắc giao kết hợp đồng?

Giao kết hợp đồng là việc các bên bày tỏ với nhau ý chí về việc xác lập, thay đổi hay chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng trên cơ sở tuân theo nguyên tắc do pháp luật quy định.

Hợp đồng không còn là khái niệm xa lạ trong đời sống hiện nay. Tuy nhiên, để hình thành một hợp đồng không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là trong quá trình giao kết hợp đồng. Vậy giao kết hợp đồng là gì? và giao kết hợp đồng như thế nào thì mới đúng quy định của pháp luật. Nhằm giải đáp các thắc mắc trên, chúng tôi xin cung cấp cho Quý độc giả những thông tin cơ bản về giao kết hợp đồng thông qua bài viết sau.

Giao kết hợp đồng là gì?

Giao kết hợp đồng là việc các bên bày tỏ với nhau ý chí về việc xác lập, thay đổi hay chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng trên cơ sở tuân theo nguyên tắc do pháp luật quy định.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có định nghĩa cụ thể về việc giao kết hợp đồng. Khái niệm trên đây chúng tôi đưa ra chỉ mang tính chất tham khảo khi dựa trên thực tiễn giao dịch giữa các cá nhân, tổ chức trong xã hội.

Không chỉ gửi tới bạn đọc thông tin giải đáp giao kết hợp đồng là gì, trong các phần tiếp theo của bài viết, chúng tôi sẽ chia sẻ các quy định pháp luật liên quan đến giao kết hợp đồng, Quý vị không nên bỏ lỡ nếu muốn thực hiện giao kết hợp đồng trên thực tế.

Nguyên tắc giao kết hợp đồng

Do hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự nên khi giao kết hợp đồng, các bên phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại Điều 3 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể như sau:

– Việc giao kết hợp đồng phải được thực hiện trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

– Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng trong việc giao kết hợp đồng.

– Các bên phải giao kết hợp đồng một cách thiện chí, trung thực.

– Việc giao kết hợp đồng không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác .

Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động là (những) tư tưởng chỉ đạo phải tuân theo trong toàn bộ quá trình đàm phán, giao kết hợp đồng lao động của người sử dụng lao động và người lao động. Tinh thần của nguyên tắc nêu trên còn được vận dụng trong quá trình thực hiện, thay đổi, chấm dứt hợp đồng lao động.

Bộ luật Lao động năm 2012 lần đầu tiên quy định trực tiếp về nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động. Các nguyên tắc này bao gồm:

Tự nguyện là một trong những nguyên tắc quan trọng để khẳng định hợp đồng lao động là kết quả thỏa thuận của người sử dụng lao động và người lao động, không bên nào ép buộc bên nào giao kết hợp đồng lao động sự tự nguyện chính là biểu hiện của yếu tố “tự do” của các chủ thể phù hợp với pháp luật. Nguyên tắc này cũng là một trong những cơ sở quan trọng ràng buộc trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện hợp đồng lao động và giải quyết những vấn đề phát sinh có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên.

Bình đẳng là nguyên tắc khẳng định vị thế ngang nhau của người sử dụng lao động và người lao động khi giao kết hợp đồng lao động. Thực hiện nguyên tắc này giúp phòng tránh việc người sử dụng lao động lợi dụng “sức mạnh” và vị thế của mình để áp đặt đối với người lao động khi giao kết hợp đồng lao động. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng, bình đẳng giữa hai bên khi giao kết hợp đồng lao động chỉ là sự bình đẳng tương đối, bởi dù sao người lao động chỉ đứng ở vị trí của người đi làm thuê, ngay cả trong giai đoạn giao kết hợp đồng lao động. Việc tôn trọng, thực hiện nguyên tắc bình đẳng không ảnh hưởng đến quyền quyết định của người sử dụng trong việc tuyển dụng hay không tuyển dụng người lao động vào làm việc.

Thiện chí, hợp tác chính là điều quyết định việc người sử dụng lao động và người lao động xích lại với nhau, cùng nhau đồng thuận để thiết lập và duy trì quan hệ lao động bằng cách giao kết và thực hiện hợp đồng lao động. Thiện chí biểu hiện cách đối xử tốt đẹp, chân thành với nhau; hợp tác là thể hiện sự phối hợp cùng nhau trong thỏa thuận, bàn bạc giải quyết vấn đề. Khi không có thiện chí và không muốn hợp tác thì sẽ không có việc giao kết hợp đồng lao động. Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu các bên không còn thiện chí và không muốn tiếp tục hợp tác cũng là lúc quan hệ lao động sẽ đi vào chỗ bế tắc và đổ vỡ.

Không trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội là yêu cầu tất yếu trong việc giao kết hợp đồng lao động. Nguyên tắc này liên quan nhiều đến việc xác định các nội dung thỏa thuận đưa vào hợp đồng khi giao kết hợp đồng lao động. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng, mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của các chủ thể khác có liên quan và lợi ích chung của xã hội.

Thực hiện nguyên tắc này cho thấy, mặc dù hợp đồng lao động là kết quả của sự tự do thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, nhưng sự tự do ở đây là có giới hạn. Giới hạn đó là chính là chuẩn mực tối thiểu về quyền (ví dụ: quy định về lương tối thiểu, thời giờ nghỉ ngơi tối thiểu…), tối đa về nghĩa vụ (ví dụ: quy định về thời giờ làm việc tối đa…) của người lao động được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, là những điều cấm của pháp luật vì lợi ích của chính các bên và  lợi ích chung của xã hội (ví dụ: quy định về cấm người sử dụng lao động giữ bản chỉnh giấy tờ tùy thân, văn bằng chứng chỉ của người lao động; cấm người sử dụng lao động buộc người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc bằng tài sản khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động…), những chuẩn mực về đạo đức xã hội…

Trình tự giao kết hợp đồng

– Đề nghị giao kết hợp đồng: Khi một người muốn thiết lập một hợp đồng thì ý muốn đó phải thể hiện ra bên ngoài thông qua một hành vi nhất định. Như vậy bên đối tác mới có thể biết được ý muốn của họ và mới có thể đi đến việc giao kết một hợp đồng.

Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì “Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng”

– Bên được đề nghị nhận đề nghị giao kết hợp đồng:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 388 BLDS 2015 thì các trường hợp sau được coi là đã nhận được đề nghị giao kết hợp đồng:

+ Đề nghị được chuyển đến nơi cư trú, nếu bên được đề nghị là cá nhân; được chuyển đến trụ sở, nếu bên được đề nghị là pháp nhân;

+ Đề nghị được đưa vào hệ thống thông tin chính thức của bên được đề nghị;

+ Khi bên được đề nghị biết được đề nghị giao kết hợp đồng thông qua các phương thức khác.

– Bên được đề nghị giao kết hợp đồng chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng: tức là bên được đề nghị trả lời về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị. Sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên.

Quyền của các bên khi giao kết hợp đồng

– Bên đề nghị có quyền sau:

+ Thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng trong trường hợp: bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị; Điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh.

+ Hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng: Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể hủy bỏ đề nghị nếu đã nêu rõ quyền này trong đề nghị và bên được đề nghị nhận được thông báo về việc hủy bỏ đề nghị trước khi người này gửi thông báo chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.

– Bên được đề nghị giao kết hợp đồng có quyền sau:

+ Rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng: Bên được đề nghị giao kết hợp đồng có thể rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng, nếu thông báo về việc rút lại này đến trước hoặc cùng với thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng.

+ Được đưa ra lời đề nghị mới nếu lời đề nghị ban đầu không phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của các bên mong muốn đạt được khi giao kết hợp đồng.

Chủ thể giao kết hợp đồng

Chủ thể tham gia giao kết hợp đồng bao gồm cá nhân và tổ chức. Điểm a khoản 1 Điều 117 Bộ luật doanh nghiệp năm 2015 quy định điều kiện chủ thể tham gia giao kết hợp đồng như sau: “Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập”.

– Đối với cá nhân:

+ Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự, gồm: Quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản; quyền sở hữu, thừa kế đối với tài sản, quyền tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó.

+ Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 19 Bộ luật dân sự). Thông thường, người từ đủ 18 tuổi là người có năng lực hành vi dân sụ đầy đủ, trừ một số trường hợp: Người mất năng lực hành vi dân sự; Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, Người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi.

– Đối với pháp nhân: Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự. Một tổ chức được coi là pháp nhân khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 74 Bộ luật dân sự năm 2015.

Địa điểm giao kết hợp đồng

Địa điểm giao kết hợp đồng do các bên thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì địa điểm giao kết hợp đồng là nơi cư trú của cá nhân hoặc trụ sở của pháp nhân đã đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng.

Thời điểm giao kết hợp đồng

Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết.

Trên đây là bài tư vấn của Luật Hoàng Phi về giao kết hợp đồng là gì? và những vấn đề cần lưu ý khi giao kết hợp đồng. Khi có nội dung thắc mắc cần hỗ trợ vui lòng liên hệ cho chúng tôi theo số 1900 6557.

Đánh giá bài viết:
5/5 - (5 bình chọn)

ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN QUÝ KHÁCH CÓ THỂ CHỌN HÌNH THỨC SAU

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Mua nhà vi bằng có làm sổ hồng được không?

Vi bằng không có giá trị thay thế cho hợp đồng được công chứng, chứng thực. Việc mua nhà bằng cách lập vi bằng là không Đúng với quy định của pháp...

Vi bằng nhà đất có giá trị bao lâu?

Hiện nay, pháp luật không có quy định về thời hạn giá trị sử dụng của vi bằng. Tuy nhiên, bản chất khi lập vi bằng được hiểu lập là để ghi nhận sự kiện, hành vi có thật bởi chủ thể có thẩm quyền do Nhà nước quy định và được đăng ký tại Sở Tư...

Mua xe trả góp có cần bằng lái không?

Với hình thức mua xe trả góp, người mua có thể dễ dàng sở hữu một chiếc xe mà không cần có sẵn quá nhiều...

Không có giấy phép lái xe có đăng ký xe được không?

Theo quy định pháp luật hiện hành, người mua xe hoàn toàn có quyền thực hiện các thủ tục đăng ký xe máy và pháp luật cũng không quy định bất kỳ độ tuổi cụ thể nào mới có thể được đứng tên xe. Do vậy, Ngay cả khi bạn chưa có bằng lái, bạn vẫn có thể thực hiện đăng ký xe bình...

Phí công chứng hợp đồng thuê nhà hết bao nhiêu tiền?

Theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 thì việc thuê nhà bắt buộc phải lập thành hợp đồng nhưng không bắt buộc phải công chứng, chứng thực trừ khi các bên có nhu...

Xem thêm

Liên hệ với Luật Hoàng Phi